Saturday, August 24, 2024

Ann Patchett và Lisa Barr

 Đọc sách của Ann Patchet và Lisa Barr kế tiếp nhau, 2 phong cách văn khác biệt thể hiện rõ. Lisa Barr tiếp cận câu chuyện theo tính chất nghề nghiệp nhà báo. Trong “Women on Fire”, Barr để các nhân vật đối thoại, hành động kịch tính, độc thoại hướng mình là trung tâm vũ trụ. Đọc Lisa Barr, các đề tài hấp dẫn sẽ kéo được sự chú ý của người đọc.

Trong khi thủ pháp của Lisa Barr là để các nhân vật tự nói ra rằng họ có khả năng nắm bắt chi tiết, tiểu tiết, nét mặt thì Ann Patchet dùng câu văn mô tả chi tiết khung cảnh qua đôi mắt của nhân vật.

Sách của Ann Patchett ở Việt Nam không nhiều. Tương tự như trường hợp của Elizabeth Gilbert, người nổi tiếng với “Eat, Pray, Love”, sách của Gilbert ở Việt Nam có thêm được “Big magic”, “City of girls”. Phía Patchett, có “Tom Lake”, “The Dutch House”, “Common Wealth”. 2 tác giả nữ cách nhau 5 tuổi, là bạn bè và có 2 phong cách viết mang 2 sắc màu khác nhau nhưng tựu chung lại đều tâm lý, sâu sắc, nữ quyền, không hành động to lớn nhưng lối viết sắc sảo ngầm. Câu văn, lối viết thể hiện bộ não đằng sau quyển sách, đẳng cấp viết của người chắp bút.

Khác với phong cách tươi sáng, lém lỉnh rất Mỹ của Gilbert, Patchett lại có cách dựng cảnh mơ màng, u ám kinh điển như thời tiết nước Anh dù là người Mỹ. 2 tiểu thuyết “The Dutch House”, “Common Wealth” diễn tiến xam xám, đều đều, lúc nhấn nhá, lúc day dứt nhưng không tắt ngúm như văn học thời 1975 đổ về trước, hay văn học của người da màu. Cho tới nay những tác phẩm như “White teeth” của Zadie Smith vẫn khá khó đọc dù không phủ nhận tầm ảnh hưởng và độ bề thế của sách ngang ngửa Pachinko của Min Jin Lee nhưng cái u ám của dân nhập cư vào đất Mỹ sẽ không thể chịu đựng nổi với người trẻ chưa từng kinh qua phân biệt chủng tộc. Sách của Patchett dù có viết về nạn phân biệt chủng tộc nhưng từ hướng của một người da trắng không quá nặng nề để tiêu hóa.

Là tác giả nữ, dĩ nhiên Ann Patchett có sự ưu tiên đặc biệt cho mọi cảnh đời của người phụ nữ từ người dã tâm, người phụ nữ tính toán, người phụ nữ trốn chạy, người phụ nữ bỏ rơi con cái đều có mảnh đất riêng trong các câu chuyện của Patchett. Cho dù phân vân, lạc lối, cuối cùng ta vẫn sẽ hành động theo bản chất. Con đường ta né tránh chân vẫn sẽ đưa lối tới đúng nơi. Nữ quyền hay không nữ quyền, cái đích cuối là gì, đấu tranh để được gì, sống để làm gì. Bạn sẽ không thấy người phụ nữ do Patchett viết trong “Bố già”, “Suối nguồn”, “Hai số phận”, “Gatsby” dù họ có tồn tại hay không. Patchett vô tình bằng ngòi bút của mình không chỉ cho họ tiếng nói, còn cho ta thấy cảnh đời của họ, xã hội, giáo dục và hậu quả của nó là những người phụ nữ xuất hiện trong ngòi bút của các tác phẩm cũ. Tính cách, hành động của một người, nhiều người không phải là từ thinh không. Để hiểu một người, nhìn hành động của họ, để hiểu một câu chuyện, lời văn cấu tứ là cái để ngẫm. Hợp một tác giả, ta sẽ săn cả bộ tác giả viết.

Đặt 2 phong cách của Lisa Barr và Ann Patchett kế nhau để làm bật những nét riêng của từng người, phong cách báo chí sẽ khác với nhà văn suy tưởng, thâm trầm. Người đọc tự chọn lấy cái mình muốn trong từng câu chuyện, tác phẩm. Mua thêm sách của ai, đọc thêm phong cách nào, đọc lại quyển sách nào, ai sẽ là người ta đem theo cùng khi đi du lịch, đọc một đoạn và ngừng lại chiêm nghiệm như nhấp 1 ngụm vang, ngậm vài giây, đợi vị chát thấm vào vòm họng. Thú vui giấy và sách sau giờ làm việc tạm kết thúc ở đây.



No comments:

Post a Comment