Đọc Harry Potter liên tục 3 quyển làm người ta cần cái gì đó
sâu hơn để nghỉ giữa hiệp. Cho dù là đọc bản tiếng Anh vốn thú vị hơn tiếng Việt
nhưng tới những đoạn mô tả cảnh quan thì thật tình bỏ qua là cách nhanh nhất để
giữ cho bản thân tiếp tục được lôi cuốn vào sự kiện trong sách. Nhưng hôm nay
chúng ta không nói về Harry Potter và các cuộc phiêu lưu ma thuật.
“A man called Ove”, Ove trong tiếng Thụy Điển đọc là U-vè. Trong
tiếng Anh có lẽ đọc Âu-v sẽ gần với chữ Love hơn, cái tên phù hợp với nhân vât bị
dị tật tim.
Tác giả của quyển sách là Fredrik Backman, người “become an
author by accident”, ban đầu Backman là blogger và chỉ có thú vui viết lách. Cái
này có lẽ sẽ động viên những tay viết nghiệp dư rất lớn. Thích viết thì cứ viết
thôi.
Ove của Backman đã được dựng thành phim, thắng cơ số giải,
hình tượng Ove trong phim đầu tiên rất là sát nguyên bản. 1 ông già cao lớn, mặt
đăm đăm, duy có điều Mọt không nghĩ là Ove trong truyện bụng bự như hình tượng
của Rolf Lassgård trong phim. Để xem tới Tom Hanks đóng và tự Hanks sản xuất
thì Ove sẽ có hình tượng như thế nào, 2020 cũng sắp tới rồi, lẹ tay chút nha
Hanks ơi.
Hanks là người đóng Forrest Gump thiểu năng có sức chạy phi
thường, đóng người đàn ông Nga định cư bất đắc dĩ ở sân bay Mỹ suốt một khoảng
thời gian dài và được tất cả nhân viên sân bay yêu quý, đóng nhà biểu tượng học
trong Mật mã Davinci… Một sự nghiệp diễn khá ấn tượng và một tình yêu dài với vợ
cũng là bạn diễn năm 1985 tới nay. What a man.
Lúc đặt mua sách thì cái bìa sách cũng không ấn tượng lắm. Do
review và đọc thử vài trang thấy giọng văn cà khịa hợp style thì mua, coi như
thử may rủi. Thật may là sách thuộc kiểu “tốt gỗ”. Còn “nước sơn” thì Mọt vẫn
thích các nước sơn khác hơn là bản 2018 của Nhà xuất bản Trẻ. Ove cho dù là ông
già cổ lổ sĩ, cứng đầu nhưng gọn gàng, còn bìa sách 2018 thì rối như là hàng
xóm quanh ông mà sách thì nói về ông chứ đâu có tập trung vào sự nhiễu loạn
quanh ông?
Cũng còn lỗi chính tả rớt lại trong sách, tính ra làm nghề
biên tập cũng mệt, có ai làm ơn phát minh giùm cái ứng dụng dò lỗi chính tả tiếng
Việt không. Thí dụ như chữ “vắt tranh” với “vắt chanh” thì dò ra được không khó
chứ hả? Tưởng tượng mình có 5 quyển sách cần check chính tả trong vòng 1 ngày và
đảm bảo “Zero bug” thì cũng đau khổ lắm.
Đọc chương đầu thì mình cũng lai rai, tàn tàn đọc cho vui. Vậy
mà cuối cùng lúc đọc chương cuối phải lật ngược lại chương đầu để so sánh. Hai cảm
giác hoàn toàn khác nhau chỉ cho một nhân vật. Cái kỳ diệu của văn chương là
thay đổi cách nhìn của người đọc chỉ trong vòng 1 ngày từ lúc bắt đầu quyển
sách cho tới lúc kết thúc 445 trang sách.
Backman chia thế giới ra làm 2 phe. Phe chính trực làm nhiều
hơn chém. Và phe tiêu cực chém nhiều hơn làm. Mục tiêu của phe chính trực là có
cuộc sống bình yên cùng người yêu thương của mình. Để đạt được mục tiêu thì phải
đấu tranh với phe kia không ít. Với Ove là cả một đời đấu tranh. Nhưng Backman
không tập trung quá nhiều vào cuộc đấu tranh của 2 phe. Bình yên, được yêu
thương mới là cái người đàn ông cục cằn Ove đi tìm. 63 năm cuộc đời Ove, ông chỉ
hạnh phúc khi có cha, mẹ, vợ, và khoảng đời 4 năm sau khi vợ mất thì ½ năm đầu
ông chỉ đơn giản là ngừng sống. Vậy nên mới có truyện “A man called Ove” cho
chúng ta đọc, là cuộc hành trình đạt tới mục tiêu sống của mình sau khi vợ mất.
Khiếu hài hước trong văn của Backman là 1 trong 2 điểm chung
với Haruki Murakami. Khóc đó rồi cười đó, cảm xúc bị Backman up-side-down liên
tục. Murakami thì cười nhưng không lố. 2 thái cực hoàn toàn khác nhau. Đọc
Backman xong quay lại tự hỏi, văn hóa thiền của châu Á duy trì đời sống không
quá vui, không quá buồn có làm con người ta cùn mòn đi. Bản thân cuộc đời con
người là lên xuống nhiều khi không kiểm soát được, vậy tự kiểm soát nó lại, duy
trì nó trong ngưỡng “comfort zone” có phải là cách giải quyết hay là đang trốn
chạy? Dĩ nhiên không ai muốn đau khổ cùng cực nhưng liệu cái đó có né tránh được
không? Thí dụ người thương yêu mất thì làm sao né? Thiền định, duy trì cuộc sống
không quá vui không quá buồn có tác dụng gì lúc này?
Backman xây dựng cuộc sống đầy tình yêu thương cho Ove, còn
Murakami tạo cảm giác bàng bạc phủ lên câu chuyện của ông. 2 văn hóa, 2 cách viết,
cho cùng một chủ đề, người cô đơn đi tìm lý lẽ sống.
Đọc Ove, đâu đó thấy Việt Nam trong cách Ove chống lại “những
người mặc áo sơ mi trắng”. Đấu tranh là chuyện cả một đời, già không có nghĩa
là từ bỏ đấu tranh.
Điểm khác biệt lớn nhất tiếp theo giữa 2 nhà văn Thụy Điển
và Nhật này là nghĩa vụ với xã hội. Ông già Ove thường “đi tuần” phố xá lúc
sáng sớm, sắp xếp lại … rác, kiểm tra xe đậu. Nếu sau này già rảnh hơi, liệu mấy
ai làm không công cho xã hội mà không ba hoa chích chòe về bản thân như bà lượm
rác ở Cần Thơ? Ông chỉ thầm lặng làm “siêu anh hùng” trong mắt vợ và “ông vui
mà” trong mắt cô cháu gái 3 tuổi.
Mong ngóng tới ngày thấy Người đàn ông mang tên Ove, phiên bản
Tom Hanks.
No comments:
Post a Comment