Saturday, November 19, 2022

[Travel and Trekking] Rừng mưa Nam Cát Tiên – Đi giữa thiên nhiên

 Sau chuyến đi phát hiện ra thác Lưu Ly trong khoảng rừng nhỏ nguyên vẹn màu xanh xung quanh thác, mình quyết chí tham quan một khu rừng của Việt Nam. Nam Cát Tiên là lựa chọn sau khi tham khảo đường xá bạn bè có thể lái tới được. Thường người ta khuyên nhau đi rừng vào mùa khô, mình đi rừng vào tháng 11 gần cuối mùa mưa. Rừng mưa Việt Nam là nơi có thú sinh sống và đi theo là combo vắt, muỗi, đây là những vật ký sinh trùng chỉ có ở nơi thú rừng sinh sống. Đi mùa khô thì sẽ bớt gặp vắt nhưng mùa đó cũng là mùa cây cối rụng lá để trữ nước sinh tồn nên màu xanh nghẹt thở tứ phía bao bọc bạn trên đầu dưới chân 2 bên đường sẽ ít hơn.

Vắt dài khoảng 2.5 – 3cm màu nâu đỏ như giun đất, thân mảnh cỡ 2milimet, khi nghe động và nhận được thân nhiệt từ chân người đầu tiên bước qua, vắt sẽ ngóc đầu lên đón chân người tiếp theo. Vắt không sống trên cây mà trong đất ẩm, tối dưới chân ta, có khả năng búng nhanh lẹ lên cao theo vật chủ. 1 đầu của vắt có ngạnh dùng cắm vào da vật chủ hút máu, tiết ra dịch chống đông máu nên nếu vắt đang hút căng máu mà ta giật vắt ra liền sẽ làm vết cắn bị rách rộng mất máu nhiều và không ngừng. Chuyến đi rừng vào tháng 11 có điểm bất lợi nữa là ít hướng dẫn viên, bạn sẽ tự mình băng 5km rừng vào Bàu Sấu, đường phát quang sẵn với đá cục to lót đường ghập ghềnh và rêu phủ nhiều. Vừa bước chân vào rừng là vắt nghe động thức dậy đón chân ta. Nên khi đi vào rừng mùa mưa, bạn sẽ cần chú ý:

1.      Đi giày leo núi hoặc giày thể thao

2.      Quần áo gọn gàng, áo tay dài, quần dài ôm sát, có thể bỏ áo vào thùng, đeo bao tay dài từ cổ tay lên nách.

3.      1 đôi vớ dày, cao cổ, vải không có rãnh thưa để vắt không cắn xuyên qua được. Vớ này sẽ kéo cao phủ qua gấu quần dài để vắt không búng vào bên trong. Nếu không có vớ dày thì đi 2 lớp vớ. tốt nhất vẫn là loại vớ chống vắt chuyên dụng rộng ống và cao qua cẳng chân có dây cột ngay bên dưới đầu gối. Đây là chỗ hõm giữa đầu gối và bắp chân, cột vớ tại đây giữ cho vớ không bị tuột xuống. Nên mua vớ bằng vải thun không mua loại nilon, bao nhựa, loại này có độ đàn hồi co giãn kém, sẽ rách sau vài bước đi trên đất rừng khấp khểnh đá.

4.      Thuốc mỡ DEP và chai xịt Remos chống muỗi, ít giấy lịch, băng cá nhân. Trước khi bước vào rừng, bạn bôi thuốc mỡ lên xung quanh đế giày, và bôi lên giày làm trơn vắt không bám vào được. Chai xịt Remos để xịt lên hết giày. Nếu lỡ may bị vắt cắn, nếu thân vắt đang to tròn máu, thì dùng chai remos xịt vào con vắt, vắt sẽ co lại rụng xuống, không làm rách da bạn. nếu chẳng may da bị rách và máu chảy liên tục không ngừng, bạn đặt miếng giấy nhỏ 1cm x 1cm lên miệng vết cắn, để yên tờ giấy ở đó. Máu khô lại nhanh hơn. Hoặc dán băng cá nhân lên vết rách.

5.      Khi đã bước vào rừng thì chia tốp 2 người, mỗi tốp xuất phát cách nhau 10 phút. Liên tục di chuyển không ngừng lại để vắt không có cơ hội bám lên chân. Nếu phải ngừng lại thì trong rừng có đặt sẵn những băng ghế sắt dài, leo lên ghế đứng nghỉ ngơi bắt vắt, xịt thêm remos và di chuyển tiếp.

Áp dụng đủ các điều trên thì bạn chẳng còn ngán gì vắt nữa.

Nhưng trong rừng, ngoài vắt ra thì rong rêu mọc dọc đường khá nhiều. nếu bạn có ý định đạp xe đạp trên đường xi măng dọc bìa rừng thì nên đổi qua đi xe jeep. Mặt đường rộng 2 mét, chỗ nào bánh xe jeep thường chạy qua thì rêu không mọc được, nhưng khoảng 1m2 giữa 2 bánh xe jeep là rêu mọc trơn, ướt, bánh xe đạp vào khoảng 1m2 này chắc chắn bị trượt lúc ta vô tình bóp phanh. Để có chuyến đi bình yên mùa mưa ít thương tích thì đi xe jeep, đỡ phải suy nghĩ.

Về chỗ ở, rừng ở nơi xa xôi, heo hút, chất lượng dịch vụ sẽ không bắt kịp giá tiền. Khách sạn giá 1tr3 có chất lượng ngang phòng 700k ở Đà Lạt, có nghĩ ở rừng phí vận chuyển mắc mỏ để không bị thất vọng nhé.

Quán ăn Green Bamboo bên bờ sông nấu ăn ngon và giá ổn định, bạn cứ nhờ mấy cô bán thuốc chống vắt ở bến phà chỉ đường nhé.

Vắt, rêu, nơi ăn, chốn ở đã ổn định rồi thì thoải mái tận hưởng cảnh rừng xanh mát thôi. Nấm dại mọc đầy đường, lá cây to hơn thân người, rừng ngợp màu xanh, tới được Bàu Sấu, khoảng trời xanh rực, cá sấu lầm lì ẩn hiện dưới đầm và các anh kiểm lâm cơ bắp, da nâu sẽ đón bạn với bữa cơm cá rừng, canh măng nhé. Lên đồ vào rừng thôi.





No comments:

Post a Comment