Sunday, May 1, 2022

[Điểm sách] Trò chơi của thiên thần – Carlos Ruiz Zafon

14 năm kể từ khi sách phát hành lần đầu tiên, tôi mới đọc quyển sách được viết bởi tác giả 44 tuổi. Câu chuyện xoay quanh hành trình của một nhà văn trinh thám từ năm 17 tuổi nhưng có giọng điệu và suy nghĩ của một ông già càu nhàu. Chuyện cũng dễ hiểu vì văn chương thể hiện một phần của người viết ra nó. May là tới hết 1/3 quyển sách thì sức hấp dẫn của nhà văn có sách dịch ra 40 thứ tiếng cũng bộc lộ, nhờ nhà văn đưa một cô bé 17 tuổi vào cuộc đời của nhân vật nam chính được gọi là “trẻ trung” có giọng điệu ông già. Hình tượng cô bé này là điểm sáng duy nhất trong cả quyển sách u ám, huyễn hoặc, trinh thám này.

Điểm đẹp thứ hai là cách tác giả mô tả ánh sáng và màn đêm sắc nét, đẹp đẽ hơn cách tác giả mô tả con người. Đọc quyển sách ta có thể mường tượng không khí phong cảnh ở Tây Ban Nha thời 1920.

Còn mô tả con người là một điểm yếu của đa số các nhà văn cũ. Thí dụ, để mô tả một nhân vật phản diện theo cách viết của một tác giả hiện đại như Haruki Murakami, ông sẽ đi từng nét quần áo, dáng đi, vóc người, cử chỉ, tóc tai, khuôn mặt tỉ mỉ tới hàm răng. Qua vẻ ngoài nói lên những nét tính cách giống như một họa sĩ từ tốn phác họa nhân vật của mình, dù là nhân vật chính diện hay phản diện cũng dùng hiện tượng để diễn đạt tính cách. Còn các nhà văn cũ trái lại thường đóng khung trong vài câu khuôn mẫu mô tả hình dáng nhất định như nhân vật chính thì đẹp ngời ngời, lịch lãm, thanh tú, nhân vật phản diện thì xấu, làm gì cũng thấy xấu. Và sử dụng quá nhiều tính từ phán xét hành động nhân vật. Cách sáng tác này tiết kiệm thời gian xây dựng hình tượng nhân vật khi viết nhưng với người đọc hiện đại thì lại thấy không đủ và lắm lúc thiếu logic.

Tương tự như các nhà văn cũ, đối thoại để thể hiện sự uyên bác của nhân vật cũng được sử dụng nặng tay trong sách của Zafon, các đối thoại của các nhân vật nam dài dòng như độc tấu.

Tuy nhiên, cái hài hước của nhà văn lớn tuổi đủ khiến ta bật cười bù lại những khuyết điểm khoảng cách thời đại, cái nhân văn đâu đó vẫn tồn tại dù khá áp chế. Đọc xong sách, vô tình Zafon đã vẽ lại rõ nét vai trò phụ nữ hạn chế như thế nào trong xã hội những năm 1920-1930. Khi các nhân vật nam thâu tóm quyền lực thì nhân vật nữ quẩn quanh trong nấu nướng, dọn dẹp, thư ký, thủ thư, làm vui lòng đàn ông. Zafon lúc viết sách năm 2008 có cố tình bó buộc số phận phụ nữ hay chỉ đang diễn đạt lại một xã hội như cái lồng với phụ nữ? Nên đọc sách của các nhà văn theo thời đại cũ, phụ nữ phải mặc giáp, thủ thế khi một xã hội gia trưởng, bảo thủ hiện hình như chuyện hiển nhiên trên trang giấy.

Cơ bản, sách của Zafon cho tới quyển thứ hai này có thể xếp vào bộ sách đọc một lần cho biết và không quay lại nữa. Nhân văn, lạc quan không phải là quá khó để đạt được nhưng ta không thể tiến bước nếu mãi đọc những quyển sách u ám.




No comments:

Post a Comment