Tuesday, January 19, 2021

[Điểm sách] Killing Commendatore – Haruki Murakami

 Sách tiếng Anh của Murakami khá đơn giản và dễ đọc. Cấu trúc câu, cách diễn đạt không trúc trắc. Ngoài một số từ lạ khi đọc phải đoán ý từ cả đoạn văn thì còn lại thì tiếng Anh trong sách của tác giả người Nhật 72 tuổi này không gây khó khăn cho người đọc.

Cùng một hoàn cảnh như nam chính trong “Nơi anh định bỏ lại em” của Jonathan Tropper, Murakami bắt đầu câu chuyện bằng người đàn ông bị vợ bỏ. Khác cái là phong cách của tác giả không cho nhân vật chính một đại gia đình lớn hài hước cùng chia sẻ mà chỉ có một mình. Vẫn cô độc, tự làm mọi thứ, tự bước qua số phận, tự học hỏi là phong cách quen thuộc Murakami vẫn dành cho các nhân vật chính trong sách của ông.

Mở đầu câu chuyện là hình ảnh người đàn ông hơn 30 tuổi ở nhà lo cơm nước cho vợ đi làm công ty. Kết thúc cũng là người đàn ông đó ở nhà chăm lo cho gia đình. Cái gì thay đổi, cái gì không thay đổi, kết quả cuộc hành trình 1 năm trời cô độc là gì? Cái này phải để mỗi người tự đọc và tự cảm nhận.

Tôi không nhớ từ khi nào văn phong của Murakami đã chuyển sang trinh thám kì bí. Tưởng tượng quái lạ, nói về tình dục thẳng tuột nhưng không thô thiển, diễn đạt phụ nữ theo góc nhìn trân trọng, vốn là kiểu quen thuộc của Murakami từ Rừng Na Uy, Người tình Sputnik, Win/ Pinball. Bỗng dưng một ngày đến 1Q84, After Dark, Dance Dance Dance,… ta bỗng bị sự hồi hộp lôi cuốn đi theo mạch truyện. Nó không nhức đầu như trinh thám của Sherlock Homes, không căng não, ép tim như Dan Brown, không tăm tối như Higashino Keigo. Kiểu trinh thám của nhà văn đại diện cho quyền phụ nữ này thuần là kì bí, hồi hộp và thường khiến người đọc ngơ ngác vì không hiểu ý ông già này là gì đây. Dù vốn tiếng Anh đơn giản nhưng cốt truyện lại không đơn giản tí nào.

Cùng là dân học vẽ, thỉnh thoảng chợt giật mình bảo sao nhân vật chính giống mình quá. Học vẽ rồi ra có kiếm sống được bằng nghề vẽ không, bao nhiêu người lái qua ngành khác, ý tưởng vẽ nó xuất hiện như thế nào. Tác giả viết như thể ông cũng biết vẽ.

Trong suốt quyển sách, bạn bè, gia đình, khách hàng xuất hiện trong cuộc đời của nhân vật chính đều có tên họ. Nhưng vợ của nhân vật chính thì chỉ có tên, nhân vật chính thì không được nhắc cả tên lẫn họ. Chỉ dùng các đại từ “I”, “me”, “my”. Không một đoạn đối thoại nào để tên nhân vật chính xuất hiện. Nhân vật chính có thực sự tồn tại hay chỉ là sự kết hợp của Idea, Metaphor, Double Metaphor? Tôi là ai? Tôi sống để làm gì? Ý nghĩa đời tôi là gì? Có lẽ đó là cái Murakami muốn người đọc đi tìm, nhìn vào bản thân mình sau khi kết thúc câu chuyện không đầu không cuối. Anh rời bỏ mọi thứ, lên núi sống và khi kết thúc, quay về lại đúng nơi bắt đầu. Hầu như không có gì thay đổi khi ta nhìn từ ngoài vào.

Chúc bạn đọc vui và cảm nhận được tâm ý tác giả. Truyện ngụ ngôn xưa từng nói đọc sách như dùng gùi mang nước. Gùi chẳng chứa được nước nhưng càng mang thì thấy cái gùi càng sáng, càng sạch. Tâm trí sáng láng thì làm việc gì chẳng xuôi?





No comments:

Post a Comment