Saturday, August 29, 2020

[Điểm sách] Pachinko – Min Jin Lee

Cách kể chuyện của Lee như trong các câu chuyện cổ tích, người đọc sẽ đọc Pachinko ngốn ngấu như ngày bé ta nuốt vội từng từ trong quyển truyện cổ tích nhỏ về hoàng tử và công chúa. Không nhẩn nha suy tưởng triết lý mà mô tả gọn gàng, rõ nét cảnh và người cùng những nhận định cảm quan của tác giả. Câu chuyện song hành giữa đau khổ và hi vọng, không quá u ám như “Con sẻ vàng”, “Bạch dạ hành” nhưng cũng không tươi sáng mơ mộng kiểu “Oxford yêu thương”.

Quyển sách lấy tựa là “Pachinko”, trò chơi đen đỏ trên máy đánh bi. Bìa sách Việt Nam lần này được thiết kế nhã nhặn, đơn giản và có tính hình tượng ở chữ “i” trong tựa sách tuy vẫn giữ kiểu minh họa hoạt hình, manga như nào giờ. Nếu bìa sách nước ngoài đã ứng dụng thiết kê lập thể, nghệ thuật sắp đặt vào thiết kế bìa thì ta vẫn phải chờ đợi ngày Việt Nam biết cách ứng dụng những nghệ thuật mới này thay vì giữ mãi cách vẽ bìa sách hoạt họa cho teen trên những sách có tầm quốc tế như Pachinko.

Nói cuộc đời người Hàn di cư qua Nhật không khác gì những viên bi trong trò chơi đen đỏ cũng không ngoa, phận người lang thang tìm miếng ăn nơi đất khách quê người làm sao dễ dàng. Nhưng chẳng thể trách những người dân Nhật phân biệt đối xử đã đẩy số phận của người Hàn lao đao trên đất Nhật, cũng như chẳng thế trách dân Mỹ mãi kì thị dân châu Á, cũng như ta không thể biện minh cho những người bạn của mình, hay chính mình dị ứng khi nghe tin người Trung Quốc nhập cảnh lậu vào Việt Nam đem theo mầm bệnh covid tới Đà Nẵng, làm bùng lên đợt dịch thứ 2 trong Việt nam. Làm sao ta trách được dân tộc khác khi họ kì thị người lạ bước tới đất nước họ? Trước kia, ta có dị ứng khi nghe dân Tây tới Việt Nam sinh sống, làm việc, ở những khu cao cấp, lãnh lương cao thì bây giờ ta được trải nghiệm cảm giác khinh ghét khi thấy người Trung Quốc ùn ùn bỏ xứ họ mà vào Việt Nam tìm đường sống. Đọc Pachinko ta thấy nhột nhạt, phân biệt chủng tộc là điều tự nhiên nhất mà con người sẽ phản ứng lại khi thấy dân tộc khác đổ vào đất nước mình, nếu sự đối xử phân biệt vẫn còn nằm trong phạm vi luật pháp qui định thì có ai có thể làm thay đổi được điều đó?

Có những cái chết không đáng có trong sách, cuộc sống xứ người không lúc nào êm ấm ngay cả khi tưởng giông bão đã qua rồi, không còn nghèo khổ, thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu kiến thức nữa nhưng cái chết vẫn cướp đi sinh mạng của gia đình Sunja. Nhưng hi vọng, kiên trì vẫn âm ỉ cháy từ thế hệ này qua thế hệ khác, từ gia đình nhỏ 4 người trong căn nhà 3 phòng ngủ, họ chậm rãi phát triển thành 4 thế hệ độc lập về kinh tế. Phong cách viết của Lee tuy không hài hước như Frederic Backman nhưng có nét tương đồng ở cách dẫn dắt người đọc vào tâm lý của từng nhân vật qua ngòi bút nhân văn của bà. Từng hành động thầm lặng không lời của người mẹ, người con được diễn tả gần gụi như cuộc sống vốn thế. Có tiền bạc thì có sung túc nhưng tình cảm gia đình là mối dây duy nhất níu con người lại. Các nhân vật trong truyện không ai có được hạnh phúc trọn vẹn cho dù họ giàu có hay được giáo dục theo phương Tây. Cái gốc dân tha hương in dấu lên vẻ ngoài của họ và khi năm tháng làm mất dấu vết bên ngoài thì vẫn tồn tại bên trong.

Nhưng cái đẹp trong Pachinko không chỉ về phận người nỗ lực sống sót trên đất khách mà còn về du lịch. Cách mô tả quê hương chôn nhau cắt rốn, hay quê hương nơi có mái nhà gia đình hiển hiện rõ nét tới từng viên đá cuội. Hàn Quốc, Nhật Bản thành hình qua hơi lạnh mùa đông, qua món ăn của người mẹ chân thực như cảm giác ta từ Sài Gòn quay về chợ biển nhìn tôm nhảy tanh tách bày trong chậu, tiếng rao tiếng mặc cả và cả tiếng chanh chua ồn ào của con buôn. Lee, người phụ nữ 52 tuổi, đã đem được cảm giác chân thực của chợ cá Hàn Quốc, chợ trời Nhật Bản vào trong câu chữ. Pachinko là quyển thứ 2 trong 2 quyển tiểu thuyết duy nhất của Lee và cũng làm nên tên tuổi của nữ tác giả người Mỹ gốc Hàn này. Quyển sách nhìn có vẻ đồ sộ nhưng không khó đọc với đề tài lịch sử nhưng không khô khan, lạnh lùng.

Pachinko parlor

Vietnam book cover - Pachinko




No comments:

Post a Comment