Tuesday, March 29, 2022

[Điểm sách] Những vị thần nước Mỹ - Neil Gaiman

 Neil Gaiman có phong cách viết kỳ ảo như Haruki Murakami, khiếu hài hước như phần lớn các tác giả nổi tiếng David Mitchell, Ken Follet, Fredrik Backman. Bản tiếng Việt của quyển sách này dày 645 trang nhưng có thể đọc xong nhanh chóng trong một cái cuối tuần do câu chuyện khá nhẹ nhàng, dễ vào hơn cả Đồng hồ xương và có lẽ là do sách tiếng Việt cùng phông chữ khá to. Trong tiếng Anh những sách đọc nhanh như vậy gọi là “finish reading in 1 sit”.

Truyện hay, phong cách viết hợp nên truyện càng gần kết thúc lại càng thấy tiếc hùi hụi, may là sách của Neil Gaiman xuất bản ở Việt Nam không ít. Đọc sách có hội và có sách để trao đổi vẫn là cái thú độc quyển của sách giấy. Bản ebook thường đi liền với kindle không tiện trao đổi. Tôi đọc Neil Gaiman cũng nhờ bạn bè trao đổi sách. Ban đầu kì vọng cho quyển sách bìa đen hình đầu bò hoạt họa này không cao, điểm yếu của sách Việt Nam là luôn minh họa theo kiểu tranh vẽ con nít không phản ánh được nội dung sách bên trong. Thêm đề tài của Neil Gaiman là thần thoại thực sự không thu hút sự chú ý của mình, phụ nữ không quan tâm lắm tới thần thoại vốn tập trung vào nam quyền với các vị như Zeus lăng loàn mọi thủ đoạn. Nhưng đọc rồi mới thấy, cách tiếp cận đề tài thần Mỹ của tác giả người Anh 41 tuổi theo góc nhìn nhân văn, tình người, sâu lắng pha kèm chút hành động. Một ly cocktail chất lượng đủ để dựng lại thành phim.

Cho tới gần kết thúc truyện, tác giả vẫn còn làm ta bất ngờ, đẩy sự thách thức tính nhân văn lên tới cực điểm. Diễn đạt bằng cụm “sự thách thức tính nhân văn” nghe có vẻ khó hiểu vì không muốn làm lộ hết nội dung truyện nên lấy một ví dụ để giải thích. “Nhân văn” theo những định nghĩa phổ biến từ Google là tư tưởng, tình cảnh liên quan đến giá trị sống của con người, là thước đo giá trị văn học, khi tác giả trăn trở về cuộc sống của con người là khi tác giả đang tiếp cận đề tài nhân văn. “Thách thức tính nhân văn” lấy ví dụ từ thực tế có thể lấy hoàn cảnh trẻ mồ côi do Covid gây ra. Số trẻ mồ côi tăng báo động sau năm 2021 làm thời sự phải quay rất nhiều bản tin cho vấn đề này nhưng đó là chuyện ở nơi nào xa lắm, không phải nhà kế bên mình, trong xóm mình nên gửi tiền cho các tổ chức từ thiện là cái dễ nhất ta có thể làm. Tiền thôi có đủ? Chỉ đưa tiền thì liệu ta có vô tình tiếp tay tạo ra nhiều Hiền Hồ, Ngọc Trinh mới. Không biết báo chí đưa tin có bao nhiêu phần trăm là sự thật nhưng lấy 2 “hot girl” ra chỉ để cân đong xem có tiền và có giáo dục liệu có tạo ra những thế hệ tốt đẹp hơn. “Cuộc đời không chỉ có nữ trang, biệt thự”, trích lời một người thầy 60 tuổi. Thác thức tính nhân văn chính là ở chỗ đó. Tiền cho đi thì dễ, thời gian, công sức dạy dỗ, chăm lo là cái trẻ mồ côi cần nhưng ai sẽ làm.

Bơi xa đề như vậy nhưng cũng chỉ để quay lại nói rằng Những vị thần nước Mỹ đã kết thúc câu chuyện bằng cách thức lơ lửng, chạnh lòng, gây suy nghĩ, nhờ vậy mà quyển sách đem về hết giải nọ tới giải kia cho nhà văn tóc xù khi 41 tuổi.

 


No comments:

Post a Comment