Tuesday, March 22, 2022

[Điểm sách] The century trilogy Book 2, 3 – Ken Follet

 Chiến tranh thế giới thứ hai, Phát xít, bức tường Berlin, nạn phân biệt chủng tộc,... là những vấn đề các thế hệ tiếp sau Chiến tranh thế giới thứ nhất phải đương đầu. Ở quyển 2 và 3 của The century trilogy, không chỉ lịch sử, tình yêu mà Ken Follet còn kể lại vắn tắt những chuyển mình của văn hóa qua các gia đình của bốn nước Nga, Đức, Anh, Mỹ. Điểm khác biệt của Ken Follet là cho dù các chính trị gia đối thoại lia chia và lắm lúc hơi buồn ngủ nhưng ta không muốn nhảy cóc đoạn nào. Không như tiểu thuyết diễm tình, nhảy cóc tầm 5 dòng thôi là câu chuyện và đường hướng sự kiện đã đổi tới mức phải lò dò quay lại đọc lại.

Nhưng đọc xong tiểu thuyết lịch sử của tác gia Anh thì tự dưng cuộc chiến Nga, Ukraine và các đòn trả đũa qua lại với Mỹ không còn khiến ta khó hiểu nữa. Nga trong mắt châu Âu với thể chế chính trị độc tài không có được sự ủng hộ cao trong bộ sách này khi tác giả hướng về chế độ bầu cử dân chủ của Mỹ, hết 5 năm thì dân lại được quyền bầu chọn người mình ủng hộ về tầm nhìn. Cuộc sống từ góc nhìn của các chính trị gia thì ngày 24 tiếng chỉ còn vài tiếng để ngủ. Công việc lúc nào cũng căng thẳng nhưng điểm cuối chốt lại các nhân vật cùng cố gắng bất chấp gia đình, tình yêu là xây dựng một đất nước tốt đẹp hơn. Ai có lẽ cũng cần một mục đích sống để tiếp tục tiến bước. Ta cày ngày cày đêm, kiếm tiền, xoay tiền, đầu tư chỗ này, mở ra cái kia nhưng cuối cùng lại, ta muốn đạt được điều gì từ những ngày đêm, công sức bỏ ra đó. Ai cũng cần bắt tay vào làm ra cái gì đó tốt đẹp cho bản thân mình, cho xã hội, cho tương lai con cháu mình.

Khi “chiến dịch quân sự đặc biệt” của Nga xảy ra ở Ukraine, bạn mình ở Anh có con đang ở tuổi teen nhưng bạn cũng không biết làm sao giải thích về chiến tranh với con. Ngay cả với người lớn, khi đọc bộ ba quyển chiến tranh này còn không thể chấp nhận được hành động của binh lính Mỹ với phụ nữ, trẻ em Việt Nam, binh lính Nga với phụ nữ Đức mô tả trong sách thì làm sao chúng ta có thể giải thích nỗi nguy hiểm của chiến tranh với con trẻ khi nước có chiến sự cách mình có 3000km thôi, bằng 2 lần đường bộ từ Sài Gòn ra Hà Nội.

Bộ sách tuy dài và có lúc khô queo không tránh khỏi của các cuộc đấu đá trong giới chính trị nhưng suy cho cùng, nhà văn nào cũng hướng tới giá trị nhân văn để phát triển câu chuyện. Dĩ nhiên không có cái nhân văn, thì sẽ thành ra sách lịch sử hay sách self-help rồi, không còn được gọi là sách văn học nữa. Đọc lịch sử nhưng không nhàm chàn thì Ken Follet là một lựa chọn ổn cho ai muốn hiểu cơ bản về chính trị thế giới.

No comments:

Post a Comment