Saturday, February 5, 2022

[Điểm sách] Bóng hình của gió – Carlos Ruiz Zafon

Bóng hình của gió – Carlos Ruiz Zafon, viết năm 2001 lúc nhà văn 37 tuổi, bối cảnh Tây Ban Nha năm 1933 tới 1966.

Kẻ trộm sách – Markus Zukas, viết năm 2005 lúc nhà văn 30 tuổi, bối cảnh Đức năm 1939 tới 1943.

All the light we cannot see – Anthony Doerr viết năm 2014 lúc nhà văn 41 tuổi, bối cảnh Pháp và Đức năm 1944 tới 2014, hay được dịch là Ánh sáng vô hình ở Việt Nam.

Cùng viết về chiến tranh ở 3 nước, 3 câu chuyện cũng gần nhau  về mặt thời gian nhưng được 3 tác giả viết ra ở những năm khác nhau có 3 phong cách khác nhau. Năm viết sách càng gần với thời đại người đọc, nội dung càng gần gũi hơn, dễ chấp nhận hơn. Khi đọc Bóng hình của gió, cái xưa cũ thể hiện ở hình ảnh cậu bé 8 tuổi thay vì chơi bời với bạn bè cùng lứa đã biết mê gái từ sớm. Âu cũng là kịch bản quen thuộc của những năm 90, ngoài tình yêu trai gái làm cuộc sống tốt đẹp hơn thì người ta không thấy cuộc đời xám xịt những áp bức, bóc lột có gì là tươi sáng.

Thế giới xưa cũ trong Bóng hình của gió mô tả như bức tranh tông màu nâu cánh gián từ những hiệu sách cũ, thư viện sách khổng lồ, quán cà phê cổ điển, những bộ trang phục cầu kỳ của cánh buôn sách. Trong truyện, cảnh những người phụ nữ ngoài ăn, làm duyên, học văn học, âm nhạc là hết cỡ, đàn ông mới là người làm lụng, quản lý cơ nghiệp, ta sẽ lần nữa tự hỏi mình có sai lầm khi chọn sách. Chọn sách với người đọc sách lâu năm cũng phức tạp như chọn bạn, ta không biết được đâu là đáp án đúng, chỉ có thời gian mới trả lời được. 1 quyển sách sẽ chiếm 1 vị trí trong căn nhà mình, không phải là 1 tệp tin lưu trữ trong kindle. Đôi khi, ta phải chấp nhận bỏ đi những quyển đã chọn sai dù đã đọc tới nửa quyển để dành diện tích và thời gian cho những quyển phù hợp với gu đọc của mình. Rất may Bóng hình của gió càng về sau càng hấp dẫn hơn.

Bỏ qua những bất đồng do thời đại của người viết và người đọc, cách viết ở nửa đầu quyển sách vẫn từ tốn, dụ ta đọc tiếp qua những ngày bình dị, vui vẻ nơi hiệu sách cũ của 2 cha con góa bụa. Đến nửa sau, câu chuyện mới mở ra cái cuốn hút, lắt léo về phận người trong và sau chiến tranh, cái tréo ngoe của người phụ nữ không tài sản, không quyền lợi trong xã hội cũ cũng ảnh hưởng ngược lên đàn ông như con rắn tự cắn đuôi mình. Có chút phiêu lưu, rất nhiều kịch tính, tình dục và tình người đặc biệt nở rộ ở nửa sau câu chuyện làm nên điểm nhấn cho cả quyển sách.

Nhân vật màu thú vị nhất lại không phải là nhân vật chính. Chính dòng, chính tông lúc nào cũng đẹp trai, quân tử, chính trực nên tự dưng không thể mang màu sắc tắc kè. Chỉ có nhân vật phụ được tác giả cho phát ngôn thoải mái, hề hước làm nhẹ đi cái nặng nề ở các nhân vật chính nghiêm túc. Đây có lẽ là điểm khác biệt của cách viết xưa và hiện đại. So sánh Bóng hình của gió với Người đàn ông tên Ove, nhân vật chính Ove là người quê kệch nhưng khi mô tả, Frederik Backman thoải mái tạo ra những tính huống hề hước trong khi nhân vật chính trong đó vẫn nghiêm túc. Âu cũng là điểm phát triển đáng mừng của văn học. Nếu ngày nay, các tác giả vẫn chỉ dậm chân khai thác đề tài đi tìm tình yêu, nhan sắc, tình dục thì văn hóa sẽ ra sao.

Khắc họa một Tây Ban Nha hỗn loạn vì chiến tranh, nhà văn 37 tuổi đạt được những thành công nhất định khi so sánh 3 quyển sách giới thiệu ở đầu bài. Sự nghi kỵ, tráo trở, nỗi khổ của dân chúng trong thời chiến, hậu chiến lồng ghép vào câu chuyện trinh thám, tình cảm của những nhà buôn sách cổ. Các gia vị kết hợp vừa đủ cho quyển sách dày vừa phải kết thúc vẫn làm cho người đọc thỏa mãn, không tiếc công bỏ ra đọc sách.




No comments:

Post a Comment