Cây người bắt đầu bằng người đàn ông trẻ bước ra cuộc đời và kết thúc cũng nơi người đàn ông. Khó hiểu, trầm tĩnh, suy tưởng, mơ màng là phong cách của quyển sách này. Cuộc sống tự tay khai hoang, dựng nhà, chăn bò, nuôi gà, làm bánh, nướng sườn mang không khí bình yên nhuốm nâu vàng, khô như lá cây hai bên vệ đường. Ngay chính những nhân vật trẻ hơn trong sách cũng bắt đầu chuyển mình sang cuộc sống thị thành, nơi có người nấu cơm, dọn dẹp, phục vụ tận răng qua cách nhìn của người đàn ông 40 tuổi viết sách này.
Những ai đang măm me cuộc sống “về quê nuôi cá và trồng thêm
rau” nên đọc quyển sách này. Patrick White bóc trần cuộc sống không mơ mộng,
xanh mát với lũ lụt, gió bão, bệnh hại, hạn hán, cháy rừng, y tế kém. Chính nơi
lao động tay chân đó đã nhào nặn nên người đàn ông chậm chạp, nhăn nheo, to lớn,
vững chãi Stan Parker và người vợ có hơi hướng như Meryl Streep trong bộ phim “The
bridges of madison county”.
Mối quan hệ thực giữa con người và con người, con người và
loài vật, con người và cây cối, con người và nghệ thuật, con người và công việc
được đối xử ngang nhau trong Cây người. Patrick White mô tả cặn kẽ những nốt
thăng, nốt trầm, nốt lạc chói tai của mọi mối quan hệ quanh người đàn ông và
người đàn bà nơi miền quê gió bụi, nốt lạc thì nhiều hơn nốt thăng và tác giả không bỏ qua nốt nào trong quyển sách dày này.
Cây người của Patrick White và Vòm rừng của Richard Powers đều
viết về thiên nhiên và con người. Hai tác giả đều có phong cách từ tốn, suy tưởng
nhưng một người viết ở thời hiện đại rất gần, một người cho ta thấy quá khứ từ
năm 1950. Điểm nhỏ khác biệt là hơi hướng đồng tính nam chớm xuất hiện trong xã
hội được Patrick White đem vào trang sách đặt cạnh những mối quan hệ phức tạp khác của
con người.
No comments:
Post a Comment