Sunday, October 31, 2021

[Điểm sách] Lược sử Triết học – Nigel Warbuton

 Tựa đề sách nghe có vẻ khô khan, Triết học, tôi thậm chí không thể nhớ mình đã học gì về môn này trong trường Đại học. Nhưng Warbuton đúng như những lời nhận xét ở bìa sau quyển sách, bằng câu chuyện tếu lâm về cuộc đời của những nhà triết học, đặt các triết thuyết của họ trong hoàn cảnh xã hội, liên hệ với đời thực, đối chiếu với các triết thuyết khác làm cho Triết học nghe thực như cuộc đời. 40 câu chuyện, 40 vấn đề từ thuở sơ khai của Triết học cho ta cái nhìn quá trình phát triển của Triết học bắt đầu từ người đàn ông bị chém đầu do đặt câu hỏi quá nhiều cho tới khi các triết thuyết hình thành, phản bác lẫn nhau và xây dựng dần vào vốn kiến thức của con người, từ những câu hỏi sơ khai như có thượng đế hay không tiến hóa lên tới vấn đề máy tính có suy nghĩ hay không. Qua cách tác giả kể, Triết học nghe đời thực như những băn khoăn hằng ngày, như gia đình không đẻ đủ 2 con là góp phần làm già hóa dân số mà Tivi, báo chí đưa tin ra rả ngày ngày. Lý do được đưa ra trong thời sự là do phụ nữ tham gia lao động quá nhiều và không muốn đẻ con. Nếu chỉ nghe tivi, ta nghĩ phụ nữ thời nay toàn là những người ích kỷ, không muốn ở nhà chăm con để chồng đi kiếm tiền nuôi con nữa. Trong khi, phụ nữ sinh ra trên đời, đi làm đóng thuế, không ăn cướp, không trộm cắp. Vậy phụ nữ cũng hoàn thành nghĩa vụ với xã hội như mọi người. Phụ nữ muốn đẻ, đẻ bao nhiêu đứa, muốn có đời sống tinh thần và vật chất như thế nào là quyền của phụ nữ. Quyền tự do trong khuôn khổ vốn được các nhà triết học nghiền ngẫm, suy tư, lật qua lật lại, đi ngược đi xuôi vấn đề. Có lẽ với thời hiện đại này đẻ 2 đứa thành nghĩa vụ mới của mỗi gia đình, và người đàn ông không làm cho vợ mình đẻ được 2 đứa là cũng chưa hoàn thành nghĩa vụ với đất nước? Rất nhiều người nghe theo Tivi quay lại lên án những gia đình không đẻ 2 con, những phụ nữ độc thân là đang làm tăng gánh nặng của xã hội. Trong khi đó, Việt Nam là nước có tỉ lệ người già bị bệnh tật cao do cắm đầu làm lụng nuôi con, không có thời gian tập thể thao, chăm lo cho sức khỏe bản thân. Khuyến khích họ đẻ, tài trợ được vài đồng bạc rồi khi họ 40 tuổi sức khỏe đã như người 60. Lấy gì để cân bằng việc này, đẻ và mất sức khỏe? Người phụ nữ lựa chọn sống như thế nào là quyền tự do của phụ nữ.

Tự do chỉ là một trong số những đề tài Triết học quan tâm. Bản chất Triết học là gì? Làm sao mà một chuyên ngành mơ hồ như vậy vẫn tồn tại suốt mấy ngàn năm nay? Nó có lợi ích gì khi một mớ người ngày ngày ngồi bàn giấy suy nghĩ, tranh luận, gõ phím thay vì tạo ra sản phẩm để phát triển xã hội? Tại sao rất nhiều những quý ngài, và một ít quý bà “ngồi mát” này vẫn lưu danh, triết thuyết của họ vẫn nhận được sự đồng tình dù thời của họ còn chưa có máy tính để bàn? Quyển sách mỏng của Warbuton sẽ cuốn hút bạn đọc liên tục hết triết thuyết này đến đề tài khác.

Rất nhiều tư tưởng nhân văn quen thuộc của văn học sẽ tìm thấy trong sách của Warbuton. Vả chăng, nhà văn cũng là người làm việc bằng tư duy, văn học, nghệ thuật, khoa học, triết học vô hình chung đều có những điểm tương đồng nhất định. Quyển “To Kill a Mockingbird” chia sẻ một quan điểm rằng trong xã hội có những người sinh ra may mắn thông minh hơn người. Còn nhà triết học John Rawl gọi những người này là những người trúng sổ xố của tạo hóa và theo ông họ cần đóng góp cho xã hội để những người kém may mắn hơn “có thể nhận được một phần nào đó từ” khoản thu nhập khổng lồ của các vận động siêu sao, diễn viên, tỷ phú làm ra nhờ vào chỉ số thông minh trời phú của họ. Nói cách khác, ai cũng phải làm việc 8 đến 12 tiếng/ngày, những người nghèo và lao động cấp thấp hưởng lương thấp có phải do lỗi của họ sinh ra không thông minh bằng những tiến sĩ, kỹ sư, chủ nhà hàng? Tư tưởng kiểu anh  tài năng, thông minh hơn người không liên quan tới việc anh hưởng phần cao hơn người khác có lẽ là tư tưởng vẫn đi ngược với xã hội ở mọi thời đại, thế nhưng sách của John Rawl được coi là best seller thời bấy giờ, Thuyết công lý (A Theory of Justice).

Tư tưởng bên trên nghe vẫn còn không thực tế do rất nhiều tỷ phú, siêu sao bóng đá trốn thuế hằng ngày, tư tưởng tôi tài giỏi và tôi có quyền có lẽ quá phổ biến từ khi văn hóa Mỹ nổi lên. Ví như bạn đi làm và cuối tháng nhìn khoản khấu trừ thuế, bạn cũng không chắc là nhà nước dùng nó vào việc gì. Hay bạn đóng thuế nhiều như vậy nhưng nhà nước mong chờ bạn đẻ cho đủ 2 đứa nữa. Biết bao nhiêu nghĩa vụ để cho vừa. Warbuton sẽ kể cho bạn nghe những lý thuyết khác gần gụi hơn, như  câu nói quen thuộc ta vẫn nói “I heard you but I need to verify”. Đây là nguyên tắc điển hình trong làm việc và đời tư của xã hội hiện đại. Nó cũng có triết thuyết tương ứng trong triết học. Karl Popper, Ludwig Wittgenstein đại loại cùng cho rằng những câu nói, lý thuyết không thể kiểm chứng được là vô nghĩa và chúng ta chẳng cần quan tâm tới ý nghĩa của những lời ấy làm gì.

Triết học bắt nguồn từ cuộc sống, phân tích, tư duy, nghiễn ngẫm cuộc đời. Pha một ly trà nóng, ôm gối, gác chân lên đọc Triết học thôi. Nigel Warbuton sẽ giúp vui cho bạn vài buổi chiều cuối tuần thư thả, không nhà hàng, không hẹn hò, không nhạc hội thời bình thường mới, hậu covid.




No comments:

Post a Comment