Sunday, June 27, 2021

[Điểm sách] The Marriage of Opposites – Alice Hoffman

 Thường chỉ cần 10 dòng đầu của sách là tôi sẽ quyết định được có mua sách hay không. Đa số các lần là chọn được sách hợp ý nhưng cũng không ít lần trái ý.

Bị thu hút bởi sự hài hước, chống đối mở đầu câu chuyện của The Marriage of Opposites (TMOO), tôi đọc liên tục suôn sẻ hết 4 chương đầu sách, chìm đắm trong thế giới xanh lá, vàng rực, biển nhiều sắc độ, một Hawaii không khách du lịch.

Một buổi tối lật bìa sau sách tôi nhận ra trong số những lời bình sách có tên nhà văn nữ Jodi Picoult cũng viết theo phong cách ảo diệu (fantasy), là một trong số những lựa chọn sách hóa ra trái ý của tôi. Thể loại sách của Alice Hoffman và Jodi Picoult là cùng một kiểu ma quái, Alice Hoffman đưa những ma thuật kỳ ảo vào sách chậm rãi hơn. Cho tới chương 5 khi tình yêu cuộc đời của nữ nhân vật chính xuất hiện thì sự trúc trắc, trục trặc của câu chuyện mới bắt đầu như bánh răng không khớp vào nhau nhưng được bôi trơn quá kỹ nên vẫn cuộn đi tiếp được một cách khập khiễng. Câu chuyện đi theo mạch cảm xúc của nữ chính nên ta có cảm giác hơi lệch. Người chồng được mô tả quá hoàn mỹ cho dù lè lè ra đó cảm giác không thực, tất cả những nhân vật nữ phản diện được mô tả quá phản diện cho dù có những hành động không đáng nhìn nhận như cách được diễn đạt. Sau người chồng thì tới người con trai cưng của Rachel lại hút toàn bộ cuộc sống tinh thần của người mẹ hơn chục đứa con.

Rachel được mô tả từ đầu như hình tượng Hoa Mộc Lan thời bình, người phụ nữ cứng cỏi cưới người đàn ông góa vợ để cứu sự nghiệp gia đình. Khi chồng mất, đi bước nữa thì vẫn cứng cỏi đấu tranh vì tình yêu. Khi con trai yêu quý tiếp nối bước mình đi ngược lại truyền thống xã hội, Rachel cũng lại là người quyết liệt phản đối con mình. Tóm lại, Rachel là người phụ nữ theo phong cách ai trái ý mình thì sẽ phản pháo tới cùng. Hình tượng phụ nữ này có lẽ hơi quá tầm thông hiểu của tôi rồi.

Camille Pissarro, người con có tài năng hội họa được mô tả như kẻ mộng mơ, rỗng túi và lần khần. 1/3 quyển sách chỉ để mô tả cảnh Camille loay hoay ở nhà mình trong tâm trạng chua xót tâm nguyện không thành từ năm 17 tuổi tới năm 25 tuổi trong khi lại là người có đôi mắt quan sát, vẽ ra được bức tranh có bố cục hợp lý, màu sắc hài hòa.

Càng đọc cảm giác tự thương thân, nhìn người phiến diện càng đậm nét khiến cho 1/3 còn lại của quyển sách được đi nhanh nhanh cho xong, không còn cảm giác thưởng thức chậm rãi đọc sách. Công trình của người phụ nữ 60 tuổi có hàng chục quyển sách và đạt giải nọ kia nhưng đối tượng người đọc không dành cho tôi.

Tìm những dòng sách tương tự về nữ quyền cùng thời đại sẽ có quyển Pachinko có thể đặt làm đối trọng.

Pachinko xuất bản năm 2017. TMOO xuất bản năm 2015.

Pachinko viết về 3 thế hệ gia đình người Hàn lang thang qua xứ Nhật, giai đoạn năm 1883 đến 1950. TMOO viết về 3 thế hệ nhà Pomie, Petit, Pizzarro từ năm 1807 đến 1865.

Pachinko giá bán trên Amazon là 14$. TMOO giá bán trên Amazon là 24.75$. Cả hai là giá cho sách bìa cứng.

Pachinko là gam xám, có lúc điểm đen tăm tối, có lúc màu hồng. TMOO bắt đầu là màu xanh lá nhưng càng về sau càng đay nghiến, bất lực.

Pachinko đọc xong tôi có cảm giác tích cực, cứ cố gắng đời sẽ tiến lên. TMOO đọc xong tôi tự hỏi ý tác giả muốn nhấn vào tăm tối thế kỷ 19 để làm gì? Thương thân phận người phụ nữ, người đi ngược với xã hội? Giống như chị Dậu trong Tắt đèn?

Mỗi người đọc sẽ có cách nhìn nhận khác nhau trên cùng một quyển sách. Khả năng viết hài hước, chi tiết, sắc nét của Alice Hoffman là không thể chối cãi. Người đọc cần trang bị thêm chút rộng lượng để cảm được cái đè nén, bí bách trong sách của Alice Hoffman. Bất bình xã hội, bất bình đẳng giới, sắc tộc, màu da, giai cấp làm quyển sách tăm tối nhưng ngoài đời thực tác phẩm đẹp vẫn được Camille Pissarro đem tới cho đời. Sách là dựa trên một phần câu chuyện có thật về họa sĩ Camille Pissarro.

 Những tác phẩm của Camille Pissarro:







 

 

No comments:

Post a Comment