Sunday, May 16, 2021

[Điểm sách] Papillon – Henri Charrier

 Đọc “Người tù khổ sai” bằng tiếng Anh làm tăng thêm vốn từ vựng eo hẹp mảng tội phạm. Những từ thông dụng tôi biết giới hạn trong “prison”, “jail”, “court”, “judge”, “crime”, “murder”,… nay mở rộng thêm “penal settlement”, “convict”, “gendarme”, “screw”, “turnkey”, “warder”,…

Quyển sách được viết về những năm 1930 nên không thể tránh khỏi những động chạm về nữ quyền vốn được coi là bình thường ở thời đại  của tác giả. Papillon hay Charriere đúng kiểu mẫu đàn ông đi tứ phương, người tình và máu mủ rải đâu đó ở nơi người đàn ông đi qua. Hoặc thân thể người phụ nữ được sử dụng như cần câu cơm. Chuyện cũng bình thường như bất kỳ bộ phim, quyển sách nào vẫn xài.

Cách viết và văn phong của tác giả không thể gọi là xuất sắc, những đoạn thoại dài, luôn lấy mình làm cái rốn của vũ trụ thỉnh thoảng khiến người đọc đương đại quá quen bài của những tác giả xưa có thể nhảy cóc vài đoạn.

Điểm thú vị thứ nhất của quyển sách là cách nhìn nhân văn về cuộc đời người tù, sự chống đối với chế độ tù chung thân chốn thuộc địa, sự sáng tạo khi con người đối mặt với thiên nhiên để đạt được tự do níu người đọc ở lại tới hết tác phẩm dài 560 trang.

Một điểm thú vị khác của sách xưa mà sách hiện đại hiếm có được, đó là thiên nhiên. Nhân vật chính tương tác với thiên nhiên, khai thác thiên nhiên, hưởng thụ thiên nhiên, chiêm nghiệm thiên nhiên từ vẻ đẹp cho tới bản chất của rừng, biển, khi thì đi làm vườn, khi lặn biển, khi câu cá, khi chèo thuyền vượt biển, khi nấu ăn ngay giữa rừng, giữa biển. Làm sao những quyển sách thời nay của những con người bao bọc trong 4 bức tường có thể viết ra được. Đây là điểm sách hiện đại không thể cạnh tranh với sách xưa. Làm sao có cảnh con người đội trời đạp đất như trong Suối Nguồn khi tác giả của nó sinh ra trong thời đại công nghệ, ngày ngày dòm màn hình hơn hoạt động ngoài trời?

Và hơn hết là tình người, tình người ở khắp nơi tác giả đi qua. Ở những cô gái điếm biết đối đãi tử tế với những người tù thành thật, ở những người khá giả sẵn sàng đón một người tù vượt biển trôi dạt vào trong nhà mình, mặc quần áo của mình, ở những người nghèo tự nguyện chia sẻ bữa ăn của mình cho người khó hơn mình.

3 điểm này làm nên giá trị không chối cãi được của Papillon, quyển sách ra đời từ năm 1969 và vẫn liên tục được dựng thành phim hết bản này tới bản khác. Những quan điểm, mối quan tâm mà thời đại nào cũng có, thiên nhiên, con người, và đấu tranh.








No comments:

Post a Comment