Friday, June 26, 2020

[Điểm sách] Đơn phương - Keigo Higashino

Hay đọc Dan Brown, Haruki Murakami, khi mới đọc Đơn phương của Higashino (tên tiếng Anh: One-sided love, tên tiếng Nhật: Kataomoi), tôi không quen được cách các nhân vật liên tục đối thoại, cách mô tả cảnh, người, hành động quá đơn giản. Những tưởng đã phí 165k tiền sách nhưng đọc dần dần thì quyển sách mới bộc lộ được thế mạnh của Higashino. Các sự kiện, tình tiết thắt mở liên kết với nhau chặt chẽ làm ta xí xóa được giọng văn đơn giản của dân kỹ sư. Và gốc gác kỹ sư cũng là một lợi thế cho Higashino xây dựng cốt truyện trinh thám. Ta không biết các phân tích của truyện đúng với đời thật bao nhiêu phần trăm nhưng nó hợp lý để ta đọc tiếp.

Bằng giọng văn trinh thám, mô tả về giới thứ ba qua câu chuyện về nhóm bạn thân từ thời đại học, quyển sách nghe tựa đề cứ tưởng là ngôn tình nhưng lại đi sâu vào các vấn đề xã hội của Nhật. Thể loại trinh thám nhưng Higashino cũng tả thực cách hành xử của nam và nữ hay những người có giới tính và cơ thể khác nhau theo lẽ thường của sách nhận định. Nói là theo lẽ thường trong sách thôi vì thực tế một người nữ yêu một người nữ không nhất thiết phải có một trong hai người mang hình dáng nam giới, bối cảnh sách sử dụng có lẽ là xuất phát từ thực tế xã hội Nhật quá khắt khe phân biệt thứ nam, nữ phải làm, màu sắc nam nữ phải mang. Vì vẫn có những người là con gái, tinh tế, mạnh mẽ, yêu người cùng giới và tự hào về cơ thể con gái của mình, và tương tự cũng có những người con trai, nhẹ nhàng, thích làm đẹp, yêu bạn trai của họ và vẫn có hình thể con trai xuất sắc. Vậy thì họ không thể gọi là giới tính và cơ thể khác nhau hay “rối loạn nhân diện giới tính” như cách gọi của xã hội Nhật trong sách được. Chỉ là người và giới họ yêu khác hơn số đông không có nghĩa là họ bị rối loạn, hay bị bệnh. Người đồng tính, người lưỡng tính là những khái niệm hợp lý hơn ở xã hội hiện nay. Không bắt buộc họ phải phẫu thuật để chuyển về hình thể giới bên kia, nếu họ muốn mang hình thể giới nào đó nên là cái mong muốn của họ.

Đề tài về giới thứ ba là điểm nhấn chính nhưng tác giả cũng không chừa những mảng tối khác trong xã hội Nhật, đặc biệt là vấn đề đối xử với phụ nữ.

Bìa sách Việt Nam lần này lại khá đẹp và sát với nội dung truyện. Cùng là hình ảnh một đồng tiền một bản thể nhưng có lúc ta thấy mặt số của nó, lúc khác ở một hoàn cảnh khác, góc độ khác ta lại thấy mặt hoa của đồng tiền.

 








 

No comments:

Post a Comment