Tuesday, September 20, 2022

Từ A-Z học, thi lấy bằng lái xe hơi số sàn B2 cho phụ nữ

 Phụ nữ nổi danh là “tay lái yếu”, hay mang giày cao gót làm kẹt chân ga, nhát lái,… Khả năng lái xe máy cũng như xe ô tô của nữ giới chưa bao giờ được đánh giá cao. Thực tế, phụ nữ tay yếu chân mềm thật, thường được đưa đón, bảo bọc. 2 điều này cũng ảnh hưởng tính tự lập, khả năng ngồi sau tay lái của nữ. Biết rõ lý do rồi thì khắc phục là chuyện nhỏ. Còn lại thì phụ nữ hay đàn ông lái xe thì đều có thể gây tai nạn như nhau nếu lái ẩu, không hề có thống kê nào nói phụ nữ hay gây tai nạn hơn đàn ông. Nên nếu bạn là phụ nữ thích tự chủ, tự do, độc lập, muốn tự lái xe thì tiếp tục đọc bài này từ kinh nghiệm học và thi B2, bằng lái xe số sàn của Mọt.

CHỌN HỌC B1 HAY B2

Phụ nữ thường được khuyên học B1 nhưng Mọt gặp số lượng học B1 ở trung tâm là cực ít. B1 là bằng lái xe hơi số tự động, lấy bằng này thì không lái xe số sàn được, không hành nghề lái xe được. Nếu nhà bạn chưa có xe và vẫn chưa quyết định mua xe nào thì học B2 lái xe số sàn và cho phép lái xe tự động luôn sẽ cho phụ nữ nhiều lựa chọn hơn lúc mua xe. Giá xe số sàn rẻ hơn xe tự động, độ an toàn cao hơn. So sánh cụ thể thì không thiếu trang web bán xe phân tích sâu hơn.

CHỌN TRUNG TÂM DẠY LÁI XE

Trung tâm dạy lái xe (TTDLX) ở Sài Gòn được biết đến nhiều nhất là Thành Công. Mọt được người bạn lái xe lâu năm giới thiệu TTDLX Kỳ Phước, ưu điểm trung tâm lớn, thi nhanh, xe nhiều, không cần tốn thêm tiền nước cho thầy dạy.

Sau một vòng đọc các trang web liên quan của bộ Giao thông vận tải về những TTDLX được cấp phép, hỏi bạn bè, so sánh các trung tâm với nhau thì Mọt chọn ra Thành Công, Kỳ Phước, và hoclaioto.net để gọi.

Thành Công là trung tâm rớt đài đầu tiên. Nhân viên nhận điện thoại là nữ trả lời nhát gừng, hỏi câu nào trả lời câu đó. Sau cuộc điện thoại ngắn gọn là Mọt chỉ nắm được học phí là 14tr, số giờ học, học gì, ở đâu, còn lại thì cứ tới trung tâm đăng ký rồi tính tiếp. Nhân viên nhận điện thoại đã vậy, thầy dạy còn tệ cỡ nào, không hổ danh là trung tâm lâu năm mà các trang web vẫn phê bình. Đối với phụ nữ vốn nhạy cảm, chất lượng của thầy dạy lái rất quan trọng, bạn không thể học tốt nếu thầy cứ la ó, chửi bới, móc máy. Không thể mỗi ngày đi học là một ngày mặc giáp, chửi nhau với thầy để được lên youtube cho cánh đàn ông ngồi coi và cười nhạo. Không thiếu clip cười nhạo nữ học viên lái xe được gửi tới khi Mọt đang lựa chọn TTDLX. Học lái xe đã đủ căng thẳng, trước đầu xe mình là tính mạng người đi đường, không cần bỏ tiền để mua thêm căng thẳng vào người.

TTDLX Kỳ Phước có nhân viên nhận điện thoại nhanh lẹ giới thiệu 1 bài dài về quyền lợi học, lịch học, giờ học, điểm nhận xe, … Cái mình ấn tượng là sự đảm bảo về chất lượng thầy dạy, không hợp thầy nào có thể yêu cầu đổi, có đánh giá thái độ thầy dạy sát sao. Giá học khá chát, tại thời điểm mình gọi là tháng 4 giá 17.3tr, thi vào tháng 8.

Trung tâm thứ 3 mình gọi là hoclaioto.net do một người bạn khác giới thiệu có giá 12tr. Nhân viên nhận điện thoại cũng nhẹ nhàng giới thiệu chương trình học. Nhưng trung tâm nhỏ thường thi trễ, hay bị dời lịch thi nên gần như mình chỉ gọi cho có. Và mình học TTDLX Kỳ Phước, có giá mắc nhất. Cho tời giờ giá học B2 của Kỳ Phước đã lên 22tr rồi theo chương trình mới của nhà nước.

Quả thực lúc học lái ở Kỳ Phước, mình không tốn 1 đồng nào cho thầy dạy. Thái độ của 5 thầy Mọt đã học qua đều ổn trừ một thầy nói chuyện hơi kém duyên.

KINH NGHIỆM HỌC: Lý thuyết -> Mô phỏng -> Thực hành (Sa hình, đường trường)

Lý thuyết:

TT Kỳ Phước dạy lý thuyết 5 buổi tối giải hết 600 câu hỏi về luật giao thông đường bộ trong sách do TT phát. Cô giáo diễn giải đáp án từng câu và lưu ý những điểm đặc biệt nên người học dễ nhớ luật hơn.

Sau 5 buổi đó, học viên tự học ở nhà. Kinh nghiệm là bạn không khoanh câu trả lời vào sách. Mỗi tối tự lọc ra 150 câu không theo thứ tự viết số ra giấy, đánh đáp án a/b/c/d vào giấy. Xong sẽ lật phần đáp án đúng ở cuối sách ra dò. Sai ở đâu, giở luật giao thông đường bộ ra đọc lại hoặc hỏi bạn bè có kinh nghiệm lái xe. Làm vậy 1 tháng là bạn nắm khá chắc phần lý thuyết.

Phần mềm mô phỏng:

Thời điểm Mọt đăng ký học là trước ngày 15/6, trong giá học tại TTDLX Kỳ Phước không có Mô phỏng. Đến ngày 1/7 thì trung tâm báo lịch thi của Mọt có bao gồm luôn Mô phỏng. Phần này Mọt phải tự tìm trên web học bộ 12 đề. Đọc lời giải trên web, nghe youtube, câu nào web giải không đúng không đạt được 5 điểm tối đa một câu thì Mọt bưng đi hỏi bạn bè nhiều năm lái xe nhờ họ giải thích.

Đây là phần thi nhận biết tình huống nguy hiểm trên đường để phản ứng kịp thời. Phần học này khá là hữu ích cho người mới học lái xe để tập nhìn 3 gương chiếu hậu, làm quen với tình huống có thể xảy ra trên đường. Nhờ phần thi này mà ra đường cứ thấy xe trước đỏ đèn hậu là Mọt cũng quen chân đạp côn, chân thủ thắng là vừa.

Lúc đi thi có khoảng 20% người thi rớt phần này. Phần Lý thuyết, tỉ lệ rớt là 5%. Kinh nghiệm học Mô phỏng là bộ 12 đề bất kỳ lúc nào giải bạn cũng phải đạt 40 đến 50 điểm 1 đề thì đến khi đi thi bị tâm lý chỉ còn 35 điểm là vừa đủ đậu.

Thực hành:

TTDLX Kỳ Phước dạy thực hành ngoài đường. Đây là điểm khác biệt lớn nhất của Kỳ Phước với các trung tâm hiện tại ở Sài Gòn.

21 giờ học bao gồm:

6 buổi/ 2 tiếng/ 1 buổi: 1 giờ lái ngoài đường, 1 giờ ghép xe ngang dọc trong 1 bãi nhỏ

2 buổi/ 4 tiếng/ 1 buổi/ 2 học viên 1 xe: 1 giờ lái tới Nhà Bè, 1 giờ lái trong sa hình

1 giờ lái trong sân thi ngày trước ngày thi trên xe sát hạch (chấm điểm tự động bằng máy trên xe)

Như vậy, học tại Kỳ Phước, chỉ được 3 giờ lái sa hình tổng cộng trong khi các trung tâm nhỏ dành toàn bộ buổi là học trong sân sa hình. Đây có lẽ là lý do chính khiến số lượng người rớt sa hình ở Kỳ Phước lúc nào cũng ở mức 50-80%.

Lý do còn lại là các thầy dạy theo công thức thường xuyên khen và động viên học viên là lái tốt. 8 buổi học Mọt đều được khen lái tốt nhưng vào sa hình thi là rớt cái bẹp. không đủ 80 điểm để tiếp tục bài thi dù đã đi được 2/3 bài thi rồi.

Nhưng nói đi cũng phải nói lại, do có 8 tiếng lái xe ngoài đường, học viên nếu theo đúng chương trình của Kỳ Phước, nhận xe ở 700 Lê Hồng Phong lái qua Nhà Bè hoặc sân tập thì khả năng lái ngoài đường sẽ khá tốt. Vì quận 10 là khu vực dân đông, nhiều vòng xuyến xe cộ chen chúc như kiến cùng một cây cầu Nguyễn Văn Cừ lúc nào cũng phải xếp hàng nhích 15cm một lần nhả côn. Để lái được ở khu vực này mà không cần thầy cầm lái, đạp thắng giùm là cả một quá trình học kiên trì. Cho nên lúc đi thi đường trường, Mọt nhận thấy người học lái ở Kỳ Phước khá hơn bên TT khác thi chung.

Tuy nhiên, Kỳ Phước vẫn cho phép học viên nhận xe ở gần nhà. Nếu lái xe từ những khu vực này đi thì không còn tận dụng được lợi thế đường đông bên quận 10 nữa. Và lúc đi thi đường trường nhiều bạn dễ bị lọng cọng. Khi lên xe thi đường trường, người thi phải xi nhan trái vào đường thật có xe hơi, xe máy chạy tán loạn, mình xử lý chậm là giám khảo trên xe la ó liền. Thầy bấm tăng số, giảm số một chặp bạn không nắm được xe đang ở số nào là mất điểm liên tục cho tới khi không còn đủ 80 điểm để thi tiếp nữa. Nên đã mất công đi học, thì cứ học khó để lúc thi vững vàng, đừng lười nhận xe gần nhà. Cứ 700 Lê Hồng Phong thẳng tiến, những bùng binh kẹt xe thần thánh và cầu Nguyễn Văn Cừ sẽ giúp bạn vững chân côn.

Quay lại vấn đề sa hình, học làm sao để đậu sa hình nếu học ở TTDLX Kỳ Phước nói riêng và các trung tâm khác nói chung? Để học thực hành, bên Kỳ Phước yêu cầu học viên mở kênh youtube “Thầy Kỳ Phước Dạy Lái Xe”, chọn danh sách phát “THỰC HÀNH LÁI XE B1-B2 (Từ A-Z)”, coi từ clip 1 đến clip 9 và clip 12. Clip 12 là clip hướng dẫn thi Sa hình ở bãi thi Hậu Giang. Để thi sa hình nhanh kịp giờ qui định, clip sẽ chỉ những điểm canh để đưa xe vào. Nhưng khoảng 50% điểm canh trong clip khác với thực tế hiện tại ở bãi thi. Thí dụ, trong clip 12 hướng dẫn bài vệt bánh xe là đưa xe vào thẳng gốc cây con thì hiện tại ở sân thi là phải canh 1 điểm trầy cách cây con 15cm.

Điểm bất lợi tiếp theo, học viên có 1 giờ tập trên sân thi Hậu Giang ngày trước khi thi nhưng vào ngày này bãi thi luôn đông xe tập, 1 giờ tập có khi chỉ lái dc 2 vòng, không đủ để coi tất cả điểm canh chứ đừng nói chi là tập. Thi vào các thứ 3-5-7, 2-4-6 là ngày tập.

Trong số 10 bạn nữ đi thi chung đợt với Mọt, chỉ có 2 bạn đậu sa hình, 2 bạn này lái xe chậm rãi. Trong lần đi thi thứ 2, xe chở 20 bạn đi thi lại 8 nữ 12 nam thì 5 bạn nữ, 1 bạn nam đậu sa hình. May rủi, tâm lý là 2 yếu tố bất lợi nữa ảnh hưởng tới thi sa hình.

Vậy tổng cộng, chúng ta có 5 yếu tố khiến số lượng người rớt sa hình cao:

1.      Giờ học sa hình chỉ có 3 tiếng.

2.      Điểm canh xe trong clip không khớp nhiều.

3.      Sân thi lúc nào cũng đông xe vào ngày tập.

4.      May rủi ngày thi

5.      Tâm lý lúc thi

Đừng coi thường cái số 4, 5. Về tâm lý, trong ngày thi, bạn sẽ phải ngồi chờ dưới mái tôn của sân thi tầm 2-3 tiếng đồng hồ mới tới lượt bạn lên xe thi. Trong lúc chờ, loa liên tục thông báo “xe số xx đã rớt”, “xe số xx đã đậu”. Thông báo xe rớt nhiều hơn xe đậu. Tâm lý thấy ai cũng rớt và hồi hộp là có. Về may rủi, lúc thi là máy trên xe chấm. Máy có thể có lỗi, phần mềm hoạt động trên máy cũng do con người viết mã lệnh mà ra, lỗi máy chấm vẫn có. Xe trong sân không hiện đại như xe tập của TTDLX, có xe tay lái bị bó cứng, chân côn yếu, kính hậu 2 bên hư không chỉnh cao lên được. Lên trúng xe nào thì phải lái xe đó tới hết bài thi. Có thể đóng tiền trước để giữ chỗ trên xe ngon. Xe thì có thể dùng tiền nhưng lỗi máy chấm thì không tiền nào trả được.

Vậy để giải quyết 5 cái bất lợi trên sau khi đã rớt 1 lần, Mọt đăng ký mua thêm 20 giờ tập ở Sài Gòn. 270k/ 1 giờ, lái 1 mình 1 xe 1 thầy từ 700 Lê Hồng Phong qua tới sân sa hình bên Nhà Bè. Vị chi là 5 buổi 4 tiếng, 2 tiếng lái đi và về, 2 tiếng tập trong sân sa hình cũ của Thành Công. TT Kỳ Phước mượn sân Thành Công cũng như các trung tâm khác. Như vậy, tổng cộng số tiền Mọt bỏ ra đóng để học và thi bằng B2 từ tháng 4 đến khi đậu là khoảng 25tr, 41 giờ tập: 13 giờ là lái sa hình, còn lại là giờ chạy ngoài đường, làm quen với xe. Càng tập trong sân sa hình nhiều, Mọt càng nhận ra nhiều vấn đề mình không nắm rõ ở lần thi đầu trong khi các thầy liên tục khen tốt. Nên dưới đây Mọt sẽ tổng hợp lại những kinh nghiệm lái xe sa hình B2 mà trong clip không có, và nếu chỉ học 3 giờ sa hình có thể bạn không được thầy chỉ cho biết.

Trước khi đọc phần này, bạn nên coi hết các clip của TTDLX Kỳ Phước. Cơ bản clip của thầy Kỳ Phước lịch sự, chuyên nghiệp, những cái trong clip thầy đã chỉ thì Mọt không nói lại, chỉ thêm vào những kinh nghiệm từ 13 giờ lái sa hình của Mọt.

Bài 1: Xuất phát

Mở xi nhan trái sẵn. Máy báo “Xuất phát” thì mình chỉ nhả côn ½ để xe chuyển động từ từ thôi, tắt nhan khi máy báo Bính boong.

Không được nhả hết côn. Vì khoảng cách từ bài 1 đến bài 2 rất gần, nhả hết côn xe chạy đủ nhanh để bạn không kịp giảm lấy điểm bài 2. Kinh nghiệm là đừng bỏ điểm nào nếu vẫn còn khắc phục được. Bạn cứ tự nhủ bỏ 5 còn 95, bỏ 10 còn 90 nhưng tới chừng vào sân thi cán thêm vài cái lề, xui rủi vài cái với máy chấm là hết điểm.

 

Bài 2: Dừng xe vạch người đi bộ

Côn ½ bò bò tới vạch dừng người đi bộ. Không đạp thắng giữa đường, có thể bị tắt máy xe hoặc máy tự động nhận bài trừ điểm dù chưa tới vạch qui định.

Bạn có thể bám vào tay lái kéo người ngồi rướn lên để nhìn kính hậu bên trái, tranh thủ vài cm nhìn thấy trước vạch để bánh xe sau bên trái vừa chạm mí ngoài vạch là đạp thắng liền. Xe theo đà dừng ngay giữa vạch là đủ điểm.

Máy báo “Tun” nhận bài tiếp tục nhả côn ½ bò đi.

 

Bài 3: Dừng và khởi hành ngang dốc

Côn ½ xe từ từ bò lên dốc. Vẫn tay bám vào tay lái kéo người ngồi thẳng lên nhìn kính hậu trái. Xe chậm quá thì mở côn thêm 1cm đủ để xe bò bò tiếp, không bị tuột dốc và giữ chân côn tại đó, không mở thêm. Xe chạy nhanh quá thì đạp côn xuống 1cm giữ xe bò bò. Tiếp tục đạp khi xe dừng mí ngoài vạch. Máy báo “Tun” thì áp dụng bài dốc cầu như clip của thầy đi qua dốc.

 

Bài 4: Vệt bánh xe và đường hẹp vuông góc

Đối với vệt bánh xe, đây là bài khó vì Mọt lúc nào cũng cán vạch, trừ 5 điểm. Bài này cần canh ngực thẳng điểm canh và canh xe thẳng sau khi vừa quẹo vuông góc. Chúc bạn may mắn canh thẳng được xe.

 

Với đường hẹp vuông góc, bạn chạy chậm rãi, mắt nhìn kính hậu trái khi cua trái, nhìn kính hậu phải khi cua phải để không mất điểm cán lề. Trừ lắt nhắt cán lề có thể làm bạn không đủ 80 điểm thi tiếp.

 

Bài 5: Đường vòng quanh co

Chậm và nhìn kính hậu tương tự đường hẹp vuông góc. Và không đánh lái sớm khi cua trái. Do cua theo vòng tròn, bạn đang đánh quen tay có thể đánh lái dư, xe cán vạch dừng không kịp. Khi bắt đầu cua phải thì ngược lại dễ bị đánh lái thiếu, cán lề bên trái. Nên cua phải lại cần chạy châm hơn đánh lái nhiều hơn.

 

Bài 6: Ghép dọc

Ngoài điểm canh, bạn phải thuộc lòng câu thần chú: “Hẹp trái thì lùi, hẹp phải thì tiến”.

Khi hoàn thành bài, cài số 1 đi ra thì “vai qua ống đen mới đánh lái”.

 

Bài 7: Dừng khẩn cấp

Bài này dễ bị giật mình. Nên bạn phải thuộc lòng 2 vị trí hay xảy ra trong bài thi để xử lý đúng thứ tự.

Nghe chuông -> đạp côn, thắng -> bấm đèn ưu tiên cho sáng lên -> chờ “Tun” + 3 giây -> tắt đèn ưu tiên cho tắt hẳn trên táp lô -> côn ½ đi tiếp vì sắp tới bài phải dừng ở vạch.

 

Bài 8: Dừng xe vạch xe lửa

Áp dụng như bài 2, cho xe bò tới vạch dừng.

 

Bài 9: Tăng số, giảm số

Bài này dễ mà không dễ. Phải nhìn táp lô, kiểm soát được vận tốc xe theo đúng theo biển báo. Biển vòng tròn xanh cho phép chạy tối thiểu 20km/h thì xe chỉ vừa hơn 20km/h là giữ chân ga tại đó cho tới khi qua hết biển xanh. Biển vòng tròn đỏ cho phép chạy tối đa 20km/h thì chân ga giảm xuống còn 10km/h thôi.

Tay phải về đúng số, lộn qua số 3 là xe không tăng tốc đủ lên hơn 20km/h được.

 

Bài 10: Ghép ngang

Bài này nếu bạn để xe đậu cách ống đen xa quá 10cm là không được tính điểm nên thà để xe hẹp với ống đen, đừng để xa. Những bài thi trong này thực ra cũng có tính ứng dụng cao. Ra đường đậu cách lề xa quá là phạm luật rồi.

 

Bài 11: Ngã tư quẹo phải và kết thúc

Ra khỏi nhà xe ghép ngang thì bạn chỉnh thẳng xe trước vạch dừng đèn đỏ. Xe thẳng thớm rồi mời bật xi nhan phải, đánh lái theo đèn xanh về bài kết thúc.

Quẹo phải xong, xe thẳng thớm rồi lại bật xi nhan đi tới qua vạch kết thúc. Bính boong. Chúc mừng bạn đã thi đậu.

 

11 bài này nếu bất kỳ lúc nào thả vào xe vào sân sa hình bạn cũng đều chân lái được từ 95 điểm trở lên là bạn đi thi được rồi. Còn cứ vài lần lại có 1 lần không đủ thì bạn cứ tập thêm cho chắn ăn. “Một lần thi là một lần cực”, câu cửa miệng của các thầy. Tại sạo vậy, mời bạn tới phần tiếp theo.

 

KINH NGHIỆM THI

Thi ở Sài Gòn hay thi tỉnh?

TTDLX nêu ra các lý do sau để khuyến khích bạn thi tỉnh:

1.      Thi tỉnh dễ hơn, tắt máy xe trong vòng 3 giây đề lại kịp chỉ bị trừ 5 điểm. Bạn nên hỏi kỹ lại điểm này thi ở Sài Gòn ra sao.

2.      Thi tỉnh tiện hơn nếu bạn cần lái thêm trên sân thi do Phòng nghỉ ngay kế bên sân thi.

Thiệt sự sau 2 lần đi thi Mọt chỉ thấy tiện vụ phòng nghỉ kế bên sân thi. Còn cần lái thêm thì học ở sân thi không hiệu quả bao nhiêu nếu chân côn bạn chưa vững.

Lịch trình đi thi tỉnh ngày 1:

Nếu bạn thi lần đầu: 2g45 sáng có mặt ở 700 Lê Hồng Phong, Q.10 đi xe giường nằm xuống Hậu Giang. Sáng sớm như vậy ra điểm tập trung vẫn có xe công nghệ Be để bắt.

Nếu bạn thi lại: 3g45 sáng có mặt ở 700 Lê Hồng Phong, Q.10 đi xe ghế ngả được 30 độ, xuống Hậu Giang.

4-6 người/ phòng. Phòng nghỉ có máy lạnh, máy nước nóng, 4 bịch dầu gội đầu rẻ tiền.

Sau đây là những thứ nên đem theo:

1.      Dầu gội

2.      Sữa tắm

3.      Kem, bàn chải đánh răng

4.      Khăn mặt/ khăn tắm

5.      Trái cây (căn tin chỉ bán nước cam ép, nước nha đam, sữa bắp)

6.      Đôi dép đi trong nhà

7.      Giấy vệ sinh (căn tin chỉ bán giấy rút vuông vuông loại xài ở mấy xe hủ tíu gõ lề đường)

8.      Móc phơi khăn

9.      Kem chống muỗi

10.   Chai xịt phòng

Đồ ăn căn tin có mì gói, hủ tíu, lẩu canh chua cá là có thể ăn được.

Tập xe ở ngoài trời rất nóng do phải chờ đợi có xe trống, tập càng nhiều giờ ở sân thi, càng phải chờ đợi nhiều, dễ say nắng ảnh hưởng tới hiệu quả tập. Chỉ nên học ở sân thi 1 giờ là đủ.

Ngày 2 - ngày thi:

7g sáng là bạn phải có trong người CMND/CCCD, bút bi xanh, Giấy phép lái xe, 495k tiền thi thực hành + 500k tiền dằn túi sẽ cần đến. Không đem điện thoại, túi xách, áo khoác, đồng hồ thông minh, nón vào phòng thi hay xe thi.

8g bắt đầu thi Lý thuyết -> đậu -> thi Mô phỏng -> đậu -> thi Sa hình -> đậu -> thi Đường trường -> đậu -> về sân thi ký vào hồ sơ thi. Xong.

Rớt tại môn nào ngừng ở môn đó. Thi lại lần sau từ môn đó. Báo TTDLX để sắp xếp sớm, có thể thi liền vào tuần sau đó. Đây là điểm lợi của học trung tâm lớn, tiền cao.

 

Sau khi đậu có bằng, Mọt được chia sẻ nên học bổ túc tay lái thêm để:

Lái xe cao tốc

Lái xe số tự động

Đậu xe siêu thị, hầm, bãi xe đông.

 

Như vậy là kết thúc những kinh nghiệm Mọt ghi lại sau 40 giờ học lái xe mà trong clip không có, hoặc học 21 giờ thầy không chỉ kịp. Chúc các bạn thi một lần là đậu và ít chịu khổ hơn Mọt lần đầu đi thi.

 

No comments:

Post a Comment