Tên tiếng Anh là The overstory, cùng nghĩa với tựa tiếng Việt, đoạt giải Pulitzer 2019 của nhà văn Mỹ 64 tuổi là quyển sách không dễ đọc do lối viết triết lý, có hơi hướng phản xã hội, bạo động, đụng đến những điểm yếu của con người. Vị giáo sư văn học này để cho những nhân vật của mình bị vùi dập, bị đàn áp thẳng tay. Câu chuyện bắt đầu bằng những hạt giống và nảy mầm, phát triển cùng loại cây này. Cây trưởng thành trải qua nắng mưa, giông gió, sâu bệnh, con người tác động vẫn sống sót. Cho dù bị đốn bỏ nhưng chồi vẫn mọc lên từ gốc đã chặt. Giá trị nhân văn, hi vọng nhỏ bé vẫn rải khắp nơi.
Có những cấu tứ trong sách quá sức hiểu của tôi, điểm thú vị
của những ông già viết ra những quyển sách có giá bán 300k ở Việt Nam, khó nhằn như bộ
phim Once upon a time của Leonardo Dicaprio.
Bìa sách ở Việt Nam lần này khá đẹp tuy cảm giác choáng ngợp
do một khu rừng đem lại vẫn không thể truyền tải được như nội dung sách. Cái lạnh
do tán lá rậm rì chặn ánh sáng, cái âm u không tối nhưng chẳng sáng trong rừng,
cái khổng lồ của gốc cây to, cái cô đơn, tổn thương của rừng khi sắt thép, gạch
đá, bao bì, chai nhựa xuất hiện nơi xanh ngắt. Những cảm giác này chỉ có khi ta
bước vào một khu rừng hoang dại. Đi để cảm nhận là một đặc ân đơn giản không thể
có trong đại dịch Covid. Âu cũng là cái giá con người phải trả cho những chuyến
bay riêng của giới nhà giàu, của nguyên thủ quốc gia, của sống để làm, sống để
kiếm tiền, để duy trì giống nòi hơn là làm để sống.
Có trồng cây mới biết cây cối quyến rũ các loài khác tương tự
như Richard Powers mô tả trong sách. Những cây bạn trồng trong vườn không di
chuyển, chỉ rung rinh lá ngày này qua ngày khác, mãi chẳng cao lên, to ra. Thế
nhưng lũ lượt trùn quế, giun đất, sùng nâu, ốc, sâu xanh, bọ cánh cứng, kiến ba
khoang, chim sẻ ở đâu kéo tới. Có loại tốt cho cây như trùn quế, kiến thông khí
cho đất, có loại ăn sạch rễ cây trong vài ngày như sùng nâu là ấu trùng của bọ
hung, cây quéo lá rũ rượi, đất phồng lên xốp ra như có ai thổi từ dưới đáy chậu
lên. Ốc thì ăn rễ những cây con, gieo bao nhiêu cũng chết khi mới lên được vài
ngày. Có sâu xanh ăn lá rào rào, ngày bừng nắng bước ra vườn thấy cây hoa cụt
ngọn, trơ trụi cành, dưới đất toàn viên viên xanh xanh đen đen là phân sâu thải
ra, là lại tất tả bao tay vào tìm sâu béo ú núc bám bên dưới cành nào đó. Trồng
cây có màu xanh dịu mắt nhưng chẳng ngồi yên được vì người thích ngắm cây thì
loài khác cũng khoái ăn cây. Một khu vườn nhỏ đã đầy cái mới mỗi ngày thì một
khu rừng sẽ huyên náo trong âm thầm ra sao. Quẩy túi lên và đi vào rừng, có niềm
vui, sự kích thích, hồi hộp và có lẽ cả thất vọng chờ ta. Thất vọng như món ăn
nấu thất bại điểm vào những ngày ở nhà nấu ăn chống dịch, thất vọng là chuyện
cơm bữa ở mọi nơi, đi vào rừng cũng không tránh được.
Sách Vòm rừng như một trường ca đau đáu khi rừng và người bảo
vệ rừng chảy máu dưới bàn tay, trí tuệ của con người. Không có con đường dễ dãi
mở sẵn cho ta nếu muốn bảo vệ rừng, khí hậu, môi trường. Đi ngược lại với xã hội
có bao giờ dễ dàng. Làm nông làm lâm nghiệp mà giàu thì không ai bỏ quê lên thành
phố lũ lượt. Người họa sĩ già lang thang khắp các nẻo đường, ngày ngày ngủ lăn
lóc ở bao nhiêu khu rừng, ngày thành tháng, tháng thành năm. Cuộc đời lặng lẽ
trôi có gì đó không trọn vẹn trong số phận người họa sĩ lang bạt. Tất cả các
nhân vật của Richard Powers đều không có hạnh phúc trọn vẹn, người đi tù, người
cô đơn ẩn dật, người không thể có con. Bản năng nào đó đều dẫn họ tìm tới cây cối,
màu xanh bù đắp vào khoảng trống bên trong các nhân vật. Quyển sách triết lý kết
thúc lửng lơ trên số phận con người và rừng như kết cục của thiên nhiên trong
thực tế. Cái kết nào cho chúng ta khi Trái đất nóng lên ngày ngày, cũng lửng lơ.
No comments:
Post a Comment