Đây là lần đầu tiên tôi đọc sách trinh thám của tác giả nữ được viết riêng cho nữ và nhân văn như vậy. Nếu 2666 là từ quan điểm của nam giới về giết người, hãm hiếp hàng loạt thì Những thiên thần mất tích (NTTMT) là cách nhìn của nữ giới và cũng là của nạn nhân. Tiếp cận vấn đề tội phạm cao cấp lại từ tốn, nhẹ nhàng như viết tiểu thuyết tình cảm có lẽ tôi mới thấy ở Karin Slaughter đầu tiên. Ban đầu nhìn tên tác giả tôi nghĩ có khi nào đây là nghệ danh, không đây là tên thật. Nước ngoài có những dòng họ thật lạ, gốc gác tổ tiên của nữ tác giả làm nghề hàng thịt chăng?
Chỉ khoảng 1/3 quyển sách là sẽ đi sâu sát vào cảnh tra tấn
từ góc nhìn nạn nhân trong các vụ bắt cóc nữ giới giết người hàng loạt. Ám ảnh,
chậm rãi tới mức muốn bỏ quyển sách ngay tại đó chứ không có chút giảm nhẹ như
Alice Sebold trong The lovely bones.
Trong lúc canh mua rau ở siêu thị vừa canh hàng đặt trực tuyến
giữa mùa phong tỏa, đọc NTTMT để có thêm cái nhìn nhân văn, rộng lượng với thời
cuộc, với những người sợ hãi trữ hàng đủ 4 tuần dù chính phủ mới thông báo áp dụng
chỉ thị 16 có 2 tuần thôi, cẩn tắc vô ưu mà. Và cũng phải rộng lượng với chính
phủ, họ đã phải lo đủ thứ chuyện trong mùa dịch này rồi. Nồi canh nhà ai thì
người đó lo, thời buổi loạn lạc rau củ không về tới được Sài Gòn chỉ có mình mới
lo được thân mình. Đợt dịch thứ tư này tác động trực tiếp tới nồi canh mọi nhà,
trước đó là giải trí. Từ một năm đi du lịch vài chuyến, tuần đi ăn ngoài mấy tối,
đi cà phê hẹn hò mỗi ngày thì ta phải giảm dần từng thứ một cho tới khi ở nhà
hoàn toàn, không đi đâu, không thăm ai. Phải nuôi con vào thời chiến tranh giải trí và
rau củ này dễ khiến các bà mẹ kiệt sức.
Khi phụ nữ viết về phụ nữ, đâu đó có sợi dây đồng cảm kết nối người đọc
với cách Karin Slaughter mô tả người mẹ, chị em gái, con gái. Chỉ thỉnh thoảng
cảm giác đó bị ngắt đi vì lỗi chính tả, câu cú. Chuyện cơm bữa khi chọn đọc sách
tiếng Việt, sạn là không thể tránh khỏi như khi sống ở Việt Nam, sống chung với
lũ các loại là bài học ta được dạy từ nhỏ thấm sâu vào máu dân Việt Nam tới nỗi
thả đâu cũng sống được, đó là thành công của người da vàng nhỏ bé.
No comments:
Post a Comment