Saturday, September 21, 2019

[Điểm sách] Lưỡng giới - Jeffrey Eugenides

Mở đầu shock, diễn tiến hài hước, kết thúc dịu dàng cho nhân vật chính sau 40 năm chịu đựng. Không quá muộn cũng không quá sớm để Cal tìm được người có thể cùng anh chia sẻ cuộc sống với mình. Một người bình thường tới 27 tuổi là lập gia đình. 22 tuổi tốt nghiệp, 5 năm đủ để trải qua sóng gió ra đời, va chạm đủ để biết mình cần người chia sẻ hạnh phúc là người như thế nào. Cal sinh ra lần thứ hai ở tuổi 14 và 26 năm sau anh mới tìm được người anh có thể mở lòng.
Có một bài bào trên zing giật tít "Loạn luân và cái giá phải trả..." về quyển Lưỡng giới này. Báo mạng nên họ làm đúng công việc của mình, phải giật tít thì mới câu được view nhưng Lưỡng giới không có chút nào cảm giác hờn giận người bà và người ông của mình vì số phận oái oăm Cal mang theo cả cuộc đời. Bối rối và trắc trở là cuộc sống của Cal nhưng cũng có thể là của bất kỳ ai, có mấy ai sinh ra bình yên với số phận của mình?
Chẳng phải người ta vẫn nói "tuổi trẻ đừng sống an nhàn". Ai viết quyển sách này dùng chữ "an nhàn" mình cũng thấy không đồng ý. An nhàn, an toàn, tự thấy đủ là thứ tuổi trẻ nên tránh nhưng nếu nó mang ý nghĩa khuyến khích người trẻ lao vào cày cục kiếm tiền thì có lẽ chúng ta vẫn tiếp tục là người gây ra thảm họa môi trường, thảm họa văn hóa. Mỗi phút giây bạn cày trong phòng máy, nghe bản nhạc online, tạo ra thêm một phần mềm là bạn đang góp phần tạo ra thêm chút dữ liệu, tốn thêm chút ram, tốn thêm ít dây đồng, cáp dẫn, máy chủ lưu dữ liệu. Và tất cả những thành phẩm này tiếp thêm nhiệt lượng, kim loại thải ra môi trường. "An nhàn" hay "an toàn"? Thân làm người ôm mộng viết lách, viết sách thì mỗi chữ mình xài có thể gây hậu quả ở đâu đó. "Tuổi trẻ đừng sống an nhàn", vô tình ta khuyến khích tuổi trẻ lao vào kiếm tiền, làm thêm giờ, tăng lương cho nhanh, rồi lại tiêu tiền cho nhà nước, mua nhà thành phố sang thiệt sang, công viên bé tẹo quanh nhà có sẵn đó, con cái thì lại tiếp bước ôm điện thoại trong khi bố mẹ ôm laptop rồi lại thêm nhiều dữ liệu, nhiệt lượng thải ra môi trường. Bạn ơi, đừng sống an toàn. Làm theo ý xã hội thì dễ, làm cái mình thấy đúng mới khó.
Về cơ bản, sống là tranh đấu với chính bản thân mình, nên cuộc đời sẽ không bao giờ sóng yên bể lặng. Trong Lưỡng giới, mặc cho số phận sóng gió, nhân vật Cal vẫn hài hước và đầy tình yêu thương. Người duy nhất bị chửi rủa trong quyển sách dày cui trị giá 350k này là cha bác sĩ giỏi giang, thông mình nhưng không làm tốt chức trách của mình. Bác sĩ giới tính nhưng thiếu kiến thức về tâm lý để đi tới tận cùng bản sắc giới và tính cách thật của bệnh nhân mình. May mắn thay, Cal là người tin tưởng vào bản thân mình. Nếu thời điểm then chốt tuổi 14 đó, Cal nghe theo gia đình và cha bác sĩ, 2 đại diện cụ thể nhất cho xã hội và đám đông, không mong muốn những thứ bất thường và tốn công sức, có lẽ Cal sẽ vẫn là Callie. Lúc đó, chúng ta sẽ có quyển sách tăm tối, u ám, đầy tiếc nuối chăng?
Tuy nhiên, quyển sách này không phải là hồi ký mà là công trình viết lách 9 năm ròng rã của Jeffrey Eugenides. Tính tỉ mỉ, quan sát và tổng hợp tốt, ông nhìn ra được những khác biệt giữa nam và nữ chi tiết tới mức Mọt bất ngờ vì đúng quá, nhất là đoạn mô tả toilet nam và nữ. Nó giải thích được khá nhiều tình huống dở khóc dở cười và thái độ kì thị Mọt thường thấy trong xã hội Việt Nam ngày nay, thứ đã từng tồn tại trong xã hội Mỹ 60 năm về trước. Bạn có tò mò nam nữ hành xử khác nhau như thế nào thì tìm đọc câu chuyện về người đàn ông có 14 năm đầu đời là nữ nhé.
Một điểm thu hút khác của Lưỡng giới là cuốn sách kể về tâm trạng của Cal, người chọn là đàn ông suốt 24 năm rồi nhưng cảm giác về Cal tương tự như các bạn đồng tính nam, đồng tính nữ nói chung. Tài năng mạnh mẽ do phải tự đi lên từ khả năng của bạn thân nhưng đồng thời lại gai góc để bảo vệ mình không bị xã hội làm tổn thương thêm. Băn khoăn, lưỡng lự, tự chất vấn trên suốt con đường mình chọn, Cal là người lưỡng giới đẹp vẻ đẹp điển hình cho giới LGBT. Hạnh phúc lứa đôi tới với Cal vừa trễ vừa chỉ được dành cho vài chục trang giấy trong quyển sách dày 6 cm. Một mình trên con đường dài dặc nhưng vững bước là hình ảnh con người đẹp nhất mà văn hóa Mỹ đã và đang tạo ra. Mong bạn đọc cũng sẽ không sợ hãi khi thất bại trên con đường đơn độc và tiếp tục đi tìm hạnh phúc của mình.




Tác giả





No comments:

Post a Comment