Monday, September 3, 2018

Cảm nhận sách: Giáo sư và công thức Toán – Yoko Ogawa

Màu hồng nhạt hoặc một bức tranh lớn chữ nhật khổ A2 màu xám với 1 chấm hồng nhạt nhỏ bên góc phải tại góc 2/3 từ trên xuống, ¾ từ trái qua là màu sắc tôi cảm thấy phù hợp để mô tả cho quyển sách của Yoko Ogawa. 3 con người lạc lõng tìm thấy nhau làm chỗ dựa. Không kể địa vị, công việc, tiền bạc, ba người đến với nhau vì tình người. Cậu bé không cha, người đàn ông bị lãng quên và cô giúp việc chăm chỉ. Từ “chăm chỉ” là một từ không lột tả hết được con người của bà mẹ đơn thân này. Giáo sư diễn tả cô bằng từ “tinh tế” nhưng từ “tự trắc ẩn” sẽ phần nào mô tả được người phụ nữ mỏng manh này hơn.

Người mẹ chăm chỉ, cần cù lao động như bất kỳ một người dân Nhật Bản nào. Nhưng vì sao người phụ nữ bé nhỏ này lại có thể an ủi được người đàn ông già dễ tổn thương và học vấn cao. Con người càng giỏi giang, càng bị số phận bạc đãi lại càng thu mình lại. Ví như cả chục năm trời không ai giải được bài toán không kết quả của ông:

Người đàn ông tài giỏi, bất hạnh + … =  ?

Cô giúp việc và cậu con trai đã làm tròn trịa bài toán cho vị giáo sư già.

(Người đàn ông tài giỏi, bất hạnh) + cô giúp việc + cậu bé Căn =  0

Số 0 trong câu chuyện được mô tả là con số đầy ý nghĩa với khoa học nói chung và con người nói riêng. Riêng trong phương trình này, 0 là sự tĩnh lặng đẹp đẽ của bình yên.

Vậy tại sao cô giúp việc này khác với mười người giúp việc trước và sau đó. 11 dấu sao trên tấm thẻ khách hàng của vị giáo sư Toán học, cùng là những người lao động miệt mài, cần mẫn nhưng nhờ tình thương người mà người phụ nữ từng không có hạnh phúc tuổi thơ, không có hạnh phúc lứa đôi, đã tìm ra hạnh phúc của mình trong phương trình tĩnh lặng này. Nếu chỉ tuân lệnh làm việc, sợ vạ lây vào thân, không tìm tòi cái mới thì có lẽ cô không khác gì 10 dấu sao xanh của 10 người giúp việc khác.

May mắn chăng khi cuối cùng 3 con người cũng đã tìm thấy nhau để cùng nhau tranh đấu với số phận nghiệt ngã và mang lại hạnh phúc cho nhau. Hay hiểu rằng họ vốn không ngừng đấu tranh, việc gặp nhau chỉ là cơ duyên để tình thần đấu tranh bền bỉ được bộc lộ rõ ở 3 con người tĩnh lặng rất Nhật này mới là cách hiểu đúng?

Như một thói quen của xã hội hiện đại, câu hỏi tiếp theo bật ra là “Động cơ của tác giả là gì?”

 Phải chăng tới lúc nước Nhật không muốn tôn vinh sự cần cù thuần túy nữa? Đã đến thời điểm giá trị tinh thần cần hơn lúc nào hết để biến Nhật thành cường quốc của hạnh phúc?

Con số 0 không chỉ là 0 như nó được nhìn thấy. Với nhà toán học, với tình thân nhỏ bé của 3 con người, 0 là hạnh phúc giản đơn, tròn trịa nhất khi có đủ 3 phần tử dị biệt.



Giáo sư và Atticus Finch trong Giết con chim nhại có khá nhiều điểm tương đồng. Hai người đàn ông đều sinh ra tài năng, tự trắc ẩn và được đứa trẻ của mình yêu thương, kính trọng hết mực. Có khác là Atticus không rơi vào hoàn cảnh bất hạnh như vị giáo sư. Nhưng tấm lòng yêu thương của 2 người lấp lánh như cát biển, mềm mại âm thầm. 80 phút ông nhớ được không để oán hận ai mà cần mẫn tập trung vào tình yêu toán học của mình. Ngay cả khi rơi vào hoàn cảnh cần tranh cãi, ông cũng chỉ dùng tình yêu để giải quyết vấn đề. Cho dù, trí nhớ là hữu hạn nhưng bản năng lương thiện, tình yêu lại là cái còn lại trong người đàn ông già, không tự chăm sóc được bản thân.

Nếu không lương thiện, 80 phút trí nhớ đó liệu có biến thành giận dữ triền miên?

Nếu không yêu thương con người, ông có lặng lẽ chịu đựng trong căn nhà ngang xập xệ?

Nếu không có tình yêu toán học, 80 phút của ông có nhớ nổi tới việc giải quyết những bài toán?

Nếu không có tình yêu người, có lẽ mẩu giấy vẽ cô giúp việc và Căn sẽ không xuất hiện trên vạt tay áo, nơi ông thường xuyên nhìn thấy mỗi lúc ngồi vào bàn cầm lấy cây bút chì và tờ giấy ghi chú?

Liệu bao nhiêu người và bao lâu sẽ giải được phương trình hạnh phúc của bản thân? Có muộn màng như tình yêu của vị giáo sư, có mỏng manh như hạnh phúc của cô giúp việc? Có may mắn như cậu bé Căn đã sớm tìm ra tổ ấm nơi mình thuộc về?

Nguồn:




Các bìa sách khác của Giáo sư và công thức Toán:




No comments:

Post a Comment