Sunday, July 1, 2018

Cảm nhận sách: To pixar and beyond



Shock và thích thú là 2 cảm giác trái ngược Levy đem đến cho tôi khi quyển sách kết thúc. Không tin vào tôn giáo. Không sống thanh tịnh. Vậy mà Levy làm tôi thích thú với Trung Đạo của đạo Phật.

Khoan nói tiếp về đạo, sách lịch sử hình thành, phát triển của bất kỳ cái gì, con người, công ty, ngành nghề vốn không hấp dẫn tôi. Nếu thành công thì nói gì chẳng được, xem người thành công chém gió thì đời không chỉ có mình Levy. Nhưng Levy lại viết về con đường của Pixar theo cách của Pixar. Hình họa và có cốt truyện. Không rõ cách thức kể chuyện lôi cuốn này là tác giả có sẵn hay hình thành từ những năm tháng chiến đấu cùng Pixar. Tôi tò mò muốn phân biệt Levy trước và sau Pixar nhưng tò mò chỉ là tò mò. Cuốn sách đã qua rất nhiều biên tập viên có nghề nên sản phẩm cuối cùng ra mang đậm dấu ấn Pixar như mục đích của tác giả. 


Pixar qua cách mô tả của người đàn ông Do Thái này nhỏ bé, phi thường và … thua lỗ. Công ty tạo ra sản phẩm táo bạo của con người kỳ dị nổi tiếng Steve Jobs không ai dám tin dùng vào thời đó. Điểm nhấn Steve Jobs là thứ kéo tay tôi lần giở chục trang sách đầu. Và sau đó Levy bằng cách viết giản dị, lôi cuốn tôi đi hết cuốn sách không bỏ chữ nào.

Các nhân vật trong sách như một bầy ong thợ, cần mẫn, chậm rãi, cày bừa tìm hướng đi qua từng rắc rối bằng kỹ năng riêng của mỗi người góp công vào thành công rực rỡ của Pixar. Steve Jobs kiên định và quyết tâm. Lawrence Levy nhẹ nhàng, uyển chuyển. Nhóm thiết kế phim hoạt hình sáng tạo và trách nhiệm. Cùng nhau bầy ong thợ tài năng này đã dựng nên ngọn đèn bàn bình dị mà không thể thiếu trong mọi gia đình theo cách riêng và đường lối riêng chưa ai dám làm, kể cả ông vua Disney.

Quyển sách điểm qua tất cả thăng trầm của Pixar. Cho đến khi Levy chấm dứt con đường với Pixar để chinh phục đỉnh cao mới, thì trên con đường mới Levy lại tìm thấy mình trong Pixar, Pixar trên con đường anh đang đi. Trung Đạo trong Phật giáo, nhẹ nhàng đưa vào sách dưới cách giải thích của cựu CEO Pixar, gần gũi không giáo điều đến mức người vô thần cũng có cảm giác tin tưởng. Có lẽ một ngày nào đó, Trung đạo và niềm tin này cũng sẽ phổ biến ở châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng. Những cô đơn, thống khổ sẽ thay bằng an nhiên, hạnh phúc.

Levy không dùng câu chuyện quen thuộc về Thích Ca Mâu Ni để giải thích Trung đạo mà diễn đạt dưới góc nhìn mới của dân thung lũng Silicon. 
Chúc bạn tìm thấy niềm vui với quyển sách lạ này.

No comments:

Post a Comment